Những người “ôm đá vá đê”

Đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau dài trên 97km, qua 3 huyện, bắt đầu từ huyện Phú Tân, Trần Văn Thời đến U Minh. Đây là tuyến đê trọng yếu, không chỉ đáp ứng nhu cầu về giao thông, ngăn mặn mà còn phục vụ cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh địa phương và một số khu vực phía Nam Sông Hậu. Hằng năm, đê phải “oằn mình” chống chọi với những cơn sóng dữ, có những bãi đất, vạt rừng ngoài đê bị ăn sâu gần chục mét, đe dọa cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của nhiều hộ dân nơi đây.

Bất kể ngày mưa hay nắng, các anh vẫn thầm lặng làm công việc hộ đê.

Bảo vệ đê như bảo vệ chính tính mạng của gia đình mình

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) tham gia vào tổ hộ đê nhân dân của ấp, với thâm niên ngót nghét gần 20 năm bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió” này.

Ông Tuấn quê gốc Nam Định, vào Nam năm 1985 và chọn Cà Mau làm quê hương thứ hai. Như bao người khác khi mới vào đây lập nghiệp, ông trải qua mọi công việc từ nặng nhọc đến nhẹ nhàng để kiếm sống, chăm lo cho gia đình. Ông Tuấn nhớ lại: “Thời đó tôi làm nghề đào đất, đắp nền nhà thuê. Ai ở đâu thuê cũng làm, có khi đi qua tận huyện Cái Nước. Chắt chiu, tằn tiện, vợ chồng tôi mua được hơn 1ha đất nông nghiệp để trồng lúa. Nhưng do đất phèn, không gieo mạ được, phải gieo mạ trên nền đất trống, rồi gia đình thay nhau tưới nước, chăm sóc. Cực khổ là thế, nhưng sau mỗi mùa vụ, gia đình cũng chẳng dư dả là bao”.

Đi đây đó, thấy bà con chuyển dịch sang nuôi tôm, ông Tuấn quyết định bán phần đất nông nghiệp, mua đất để chuyển sang nuôi tôm tại ven đê biển Tây. Canh tác được vài năm, phần đất thịt bị sóng biển “ăn” mất dạng và phần đất của gia đình cũng lở mất hơn phân nửa. Ngôi nhà của ông và những bà con sống ven đê cũng chực chờ “làm mồi” cho những đợt sóng dữ. Khu nhà ông đang trú ngụ sống tách biệt với dân cư trong vùng, nhiều hộ khác cũng về đây sinh sống, cùng chung số phận không đất canh tác. Ngày ngày, đàn ông ra biển đánh bắt, phụ nữ ở nhà nuôi dạy con cái. Hàng năm, ông chứng kiến nhiều ngôi nhà bị sóng biển nhận chìm, những hộ đang sinh sống bên trong đê đang từng ngày bị đe dọa đời sống và sản xuất nếu thân đê bị vỡ. Năm 2001, khi tuyến đê xuất hiện những dấu hiệu mất an toàn, thông qua sự vận động của chính quyền địa phương và Hạt Đê điều đến với người dân, thế là ông tự nguyện tham gia tổ hộ đê nhân dân của ấp, với suy nghĩ cùng góp sức bảo vệ đê. Ông Tuấn kể: “Nhiều đêm nghe tin bão, đê có khả năng bị sạt lở cao, không do dự, tôi cầm đèn pin ra điểm đê xung yếu kiểm tra. Giông lớn, cộng với sóng mạnh làm tôi văng ra phía xa và bị cây đâm vào chân”. Bản lĩnh của một người từng tham gia cách mạng, nên dù hoàn cảnh, công việc có nguy hiểm nhưng ông không hề nao núng. Khi mọi người chìm vào giấc ngủ thì một mình ông lại âm thầm đến từng đoạn đê xem xét, chỗ nào không ổn, ông Tuấn báo liền cho Hạt Đê điều để anh em kịp thời hỗ trợ.

Nói về những điểm xung yếu nhất trên tuyến đê từ Hòn Đá Bạc đến Kênh Mới, ông Tuấn trăn trở: “Tuyến này có tổng cộng 7 điểm xung yếu, sóng ăn phạm vô cả phần đất thịt, anh em ở Hạt ngày đêm ra sức cứu đê, nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu về dài thì còn khó khăn nhiều lắm”.

Tuyến đê từ Hòn Đá Bạc nối dài tới tuyến Kênh Mới dài 4km, đường gập ghềnh, đi bộ còn khó, thế mà ông Tuấn vẫn bền bỉ với việc “kiểm đê” bất kể ngày đêm. Vì ông nghĩ, việc bảo vệ đê như bảo vệ chính tính mạng của gia đình mình. Khi chúng tôi thắc mắc sao chỉ có ông và hai người nữa “canh đê”, ông Tuấn trầm ngâm: “Trước đây, khi vạt rừng mắm này còn dày thì bà con sống ven đê này nhiều lắm, vạt mắm không chịu nổi với những trận sóng mạnh nên dần mỏng đi, nhiều hộ dân cũng từ đó mà di cư đi nơi khác sinh sống, chỉ mình tôi còn bám trụ nơi đây”.

“Nếu hỏi bất cứ anh em nào làm công tác hộ đê thì ai cũng sẽ nói rằng làm hộ đê phải làm bằng cái lòng, cái tâm, chứ làm công để ăn lương thì không làm nổi. Vì công việc này không kể giờ giấc, ngày đêm và địa điểm thì luôn lưu động” , anh Trần Minh Quảng bộc bạch.

“Giành đất” với biển

Nếu ông Tuấn là người “canh đê”, thông báo tình trạng đoạn xung yếu hằng ngày thì những người như anh Trần Minh Quảng, hiện là cán bộ Trạm Quản lý đê điều ở huyện Trần Văn Thời, lại là người trực tiếp “cắm mốc” ranh giới “giành đất” với nước biển.

Tuyến đê do anh Trần Minh Quảng quản lý dài 4km, trong đó có 7 điểm ở mức báo động.

“Phó thác” chuyện gia đình cho vợ, anh Quảng một lòng cứu đê. Năm 2011, anh được tham gia lớp học quản lý thủy nông tại tỉnh, rồi được phân công về hộ đê ở tuyến đê Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Thời gian đó, tuyến đê Tiểu Dừa – Lung Ranh ở mức báo động, nên hầu như toàn lực lượng được điều về phục vụ hộ đê. Anh Quảng nhớ lại: “Thời gian đó, hầu như anh em, quần áo không lúc nào được khô, có khi nửa đêm được dân báo có điểm đê bị lở thì anh em cùng nhau tất tả chạy đến hiện trường: Người cầm bao, người ôm đất, đá vá lấp thân đê. Sóng dập liên tục, không biết một ngày uống bao nhiêu là nước mặn”. Đến khi tuyến đê Tiểu Dừa ổn định, anh được điều về quản lý tuyến đê tại Hòn Đá Bạc.

Đê biển Tây trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, nhiều điểm sạt lở ven biển mới phát sinh, với tổng chiều dài hơn 1.000m. Trong đó, nghiêm trọng nhất là khu vực từ Đá Bạc đến Kênh Mới, thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây và từ ấp Kênh Mới đến khu vực ven biển xã Khánh Hải, với chiều dài 877m. Các anh đã rọ đá được 283m, hiện đang cố gắng hoàn thành đoạn Nam cống Kênh Mới.

Anh Quảng cho biết, một ngày các anh vác 700 – 800 bao đất là chuyện rất bình thường. “Có hôm mọi người mới vác xong khoảng 800 bao đất, mệt và đói lả, mới về nhà chú Tuấn (ông Nguyễn Thanh Tuấn – PV) ăn cơm, trong vòng chỉ 1 giờ sau, khi quay lại thì những bao đất đã “không cánh mà bay” đâu mất, mọi người cười méo xệch rồi động viên nhau làm tiếp”, anh chia sẻ vui.

Hầu như ở đây ai cũng thuộc lòng từng con nước lớn ròng. Anh Quảng cho biết, vào mùa gió Tây Nam, sóng biển ầm ầm, hầu như anh em thức trắng để gia cố đê bao, ban ngày đụng đâu cũng là giường, tranh thủ chợp mắt để tiếp tục công việc. Những ngày gần đây, bắt đầu mùa động bấc, biển đã êm hơn nhiều nhưng đê vẫn có nguy cơ sạt lở cao, có hôm anh em không rọ đá được vì sóng áp vào mặt, phải đợi đến chiều nước rút, giảm sóng thì mới bắt đầu công việc.

Anh Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Đê điều (Chi cục Thủy lợi tỉnh): “Những anh em làm nghề phải hy sinh việc cá nhân, gia đình, vì đây là công việc đặc thù, nếu không theo sát tình hình đê thì đê có thể vỡ bất cứ lúc nào. Ai cũng muốn được làm việc nhẹ nhàng, ở văn phòng…, còn mấy anh em ở đây là làm việc trong môi trường nước, sình lầy, nhiều muỗi. Nhưng vượt lên trên tất cả, các anh em vẫn luôn phấn đấu, vững chí hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Chia tay các anh khi những âm thanh đợt sóng biển còn vang vọng, gió từng cơn rít mạnh. Đêm nay, các anh chắc cũng phải thức trắng…

“Mới đây, nghe trên đài báo bão, tôi vội ra đê xem thế nào, vợ tôi lo lắng ngăn không cho, nhưng tôi nghĩ nếu không kịp thời xem xét rồi thông báo cho anh em đến ngăn sạt lở thì hậu quả rất khó lường. Bản thân tôi không sao, sợ là vỡ đê thì thiệt hại đủ bề” , ông Nguyễn Thanh Tuấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *