Niềm vui xuân ở ấp “xóa trắng” hộ nghèo

Sản xuất tôm giống là một trong những mô hình phát triển kinh tế của người dân.

Từ đầu năm 2016, ấp Ông Như trở thành một trong những ấp đi đầu tiêu biểu thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo của huyện. Hiện nay, ấp có trên 65% hộ khá, giàu; không còn hộ nghèo. Trên các tuyến đường, những mái nhà tạm bợ, lụp xụp đã được thay bằng nhà khang trang, kiên cố. Cầu, đường thông thoáng, được bê-tông hóa gần hết. Sau bao năm phấn đấu giảm dần, rồi về đích “xóa trắng” hộ nghèo, thành quả không chỉ làm phấn khởi chính quyền địa phương, mà còn khiến bà con nơi đây tự hào.

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, chính quyền ấp đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện tối đa giúp người dân thoát nghèo. Cụ thể, Chi bộ, Ban Nhân dân cùng các đoàn thể ấp thường xuyên gặp gỡ từng hộ nghèo, nhằm nắm rõ hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. “Đối với những hộ cần mở rộng mô hình sản xuất, mua bán thì địa phương xem xét hỗ trợ vốn. Đối với hộ chưa có việc làm ổn định thì đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Hộ nào khó khăn về nhà ở thì vận động, tạo điều kiện xây mới, sửa chữa nhà ở… Nhờ vậy mà hiện tại thu nhập bình quân đầu người của ấp đạt gần 40 triệu đồng”, ông Bùi Lũy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp, chia sẻ. Ngoài ra, cán bộ ấp còn đồng hành, kèm cặp theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cho bà con cách làm ăn và tích cực tuyên truyền nhằm phát huy tối đa nội lực, tinh thần tự vươn lên của những hộ nghèo. Nhờ đó mà các mô hình thoát nghèo sớm phát huy được hiệu quả.

Người dân tận dụng đất trống để trồng màu, vừa cải thiện bữa ăn vừa có thêm thu nhập.

Gia đình ông Huỳnh Văn Tích là một trong những hộ thoát nghèo cuối cùng của ấp. Trước đây, do không nghề nghiệp ổn định, không đất sản xuất, nhà ở tạm trên phần đất của họ hàng, nên dù chịu khó lao động nhưng nguồn thu nhập ít ỏi từ làm thuê không đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 2 đứa con ăn học. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn, chính quyền ấp tạo điều kiện để gia đình ông Tích được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà theo Chương trình 167. Từ khi có được nhà ở ổn định, vợ chồng ông yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ông Tích bộc bạch: “Làm lụng vất vả, cực khổ bao nhiêu cũng không sợ, chỉ sợ làm hoài vẫn nghèo. Mà đã mang cái danh hộ nghèo, bản thân mình tự thấy ngại với bà con chòm xóm. Được chính quyền giúp đỡ xây dựng cho căn nhà, chúng tôi rất biết ơn, quyết tâm vươn lên, bước qua cái nghèo”.

Ông Võ Minh Hổ, Phó Chủ tịch UBND xã: “So với một số địa phương khác, người dân ở ấp Ông Như có đời sống kinh tế tương đối ổn định hơn. Tuy không phải ai cũng giàu có hay khá giả, nhưng cách nghĩ, cách làm của họ đã thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều mô hình giảm nghèo được bà con học hỏi, rút kinh nghiệm và nhân rộng, đạt được hiệu quả khả quan. Thành quả giảm nghèo của ấp đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã Tân Ân Tây”.

Hiện tại, ấp vẫn còn 5 hộ cận nghèo. Theo kế hoạch, chính quyền địa phương sẽ tìm những giải pháp hiệu quả nhất, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ 5 hộ này phát triển kinh tế để đến cuối năm 2018 thoát cận nghèo bền vững.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *