Nối dài những chiến công thầm lặng

Bài 1: Gieo mầm thiện trên những lỗi lầm

Với những việc làm nhân văn, nhân ái và thấm đẫm tình người, Đại úy trẻ Nguyễn Văn Lùng, Phó Đội trưởng Đội Quản giáo (Trại Tạm giam Công an tỉnh) đã giúp nhiều người lầm lỗi sớm tìm lại chính mình, hướng thiện để trở về với gia đình và cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Gắn bó với trại giam đã gần 15 năm, Đại úy Nguyễn Văn Lùng đã trải qua nhiều nguy hiểm và vất vả trong công tác. Bản thân luôn cùng với Ban Giám thị Trại tạm giam tổ chức tốt mọi hoạt động và lĩnh vực giam giữ, quản lý, cải tạo và giáo dục phạm nhân. Công tác xét giảm án cũng được thực hiện công bằng, dân chủ, công khai và đạt hiệu quả cao. Với thái độ vừa nghiêm khắc vừa mềm mỏng, mang tính nhân đạo, nhân văn ở anh đã giúp nhiều phạm nhân, nghi phạm, nghi can sớm trở về làm lại cuộc đời.

Theo lời bà L.H.Y. (Khóm 6, Phường 9, TP. Cà Mau): “Tôi bị bắt đưa vào trại giam lúc 23 giờ đêm, ngày 5/3/2017 về tội môi giới mại dâm. Khi ấy tôi suy sụp tinh thần, mường tượng trong đầu rằng khi gặp công an lấy khai, có lẽ tôi sẽ bị miệt thị, khinh khi và cuộc đời sẽ bế tắc từ đó… Nhưng không, người đầu tiên tôi gặp là cán bộ Nguyễn Văn Lùng, với phong cách từ tốn, cán bộ ấy đã động viên tinh thần tôi trước, sau đó hỏi thăm, lấy khai với thái độ mềm mỏng, nhã nhặn nên tôi đã thành tâm khai báo… Đặc biệt, trong khoảng thời gian 33 tháng thụ án (được giảm 3 tháng), tôi bệnh rất nhiều: Tim mạch, huyết áp, mắt mờ… Nếu không nhận được sự quan tâm, cảm hóa đúng mực, thì tôi đã suy sụp, suy nghĩ lệch lạc. Nhờ cán bộ Lùng cũng như đơn vị đã gieo cho tôi niềm tin và hy vọng làm lại cuộc đời, trở thành công dân có ích và nay tôi đã làm được điều ấy, tôi thật sự rất biết ơn…”.

4 năm 3 tháng thụ án tại Trại Tạm giam Công an tỉnh về tội trộm xe, là khoảng thời gian khá dài trả giá cho hành vi nông nổi của anh L.T.H. (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời). Anh H. chia sẻ: “Vì kinh tế chật vật, tôi nảy xin lòng tham trộm cắp rồi dẫn đến con đường tù tội. Khoảng thời gian hơn 4 năm xa cha mẹ, vợ con, tôi rất hối hận… Với sự động viên, đối xử bằng tình thương, sự chân thành của cán bộ trại giam, mà người gần gũi nhất là cán bộ Lùng đã giúp tôi hướng thiện, làm lại cuộc đời. Đến nay, ra trại được hơn 8 tháng, được trở về mái ấm gia đình, có cha mẹ, vợ và con, tôi rất hạnh phúc, quý cuộc sống và quyết tâm lao động sản xuất, làm lại cuộc đời. Trở về với gia đình với vai trò trụ cột, với hơn 1ha đất hương hỏa, tôi cố gắng, chuyên tâm lao động, mong muốn có thu nhập ổn định nuôi gia đình, để không phụ những tấm lòng như anh Lùng, các cán bộ và người thân trong gia đình đã tin tưởng, động viên”.

Theo lời Đại úy Lùng, hằng năm đơn vị tiếp nhận cảm hóa, giáo dục tại trại khoảng 15 – 25 đối tượng, mỗi phạm nhân đang thụ án tại Trại Tạm giam Công an tỉnh đều có hoàn cảnh, con đường phạm tội khác nhau. Với cán bộ chiến sĩ làm công tác quản giáo nơi đây, để cảm hóa, giáo dục những người từng vi phạm pháp luật không phải công việc đơn giản. Đối với những phạm nhân mới vào trại, tâm lý hoang mang, hụt hẫng, việc trấn an tinh thần cho họ là rất cần thiết. Đối với những phạm nhân nặng tội, biết mình sẽ đối mặt với án tử hình, họ thường chống đối, bất hợp tác, luôn tìm cách bỏ trốn và tự vẫn… Cùng với việc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để làm gương bằng hình thức giáo dục chung, Đại úy Lùng còn tổ chức hình thức giáo dục riêng, đem cái tâm, cái tình của người quản giáo để cảm hóa, thức tỉnh phần thiện lương trong tâm hồn mỗi người. 

Như trường hợp phạm nhân N.X.P. (tỉnh Ninh Bình) phạm tội giết người, cướp tài sản tại tỉnh Cà Mau, được đưa vào trại giam năm 2005… Đại úy Lùng chia sẻ: “Trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc tâm sự với phạm nhân này, tôi chủ động tìm hiểu suy nghĩ nội tâm của phạm nhân để biết người ấy đang nghĩ gì, đang trăn trở điều gì để tác động hợp lý. Do biết mình phạm tội nặng, với suy nghĩ “giết người thì đền mạng”, nên khi đưa vào trại, phạm nhân tỏ ra bất cần, không hợp tác, nhiều lần có ý định tự sát… Tôi trực tiếp gặp gỡ động viên phạm nhân và nhắn nhủ: “Dù còn một tia hy vọng vẫn nên tiếp tục hy vọng” và nhờ gia đình có công với cách mạng, phạm nhân P. thoát án tử hình, đưa về mức tù chung thân. Ngày chuyển phạm nhân P. về thụ án tại trại giam của Bộ Công an, phạm nhân P. đã để lại một lá thư viết tay, với lời cảm ơn chân thành dành cho tôi… Cầm đọc lá thư tôi rất vui và xúc động, như là động lực để tôi tiếp tục làm cầu nối đưa những mảnh đời lầm lỡ, từ bờ vực “cái ác” vươn đến “cái thiện”, để họ có cơ hội làm lại cuộc đời, hay duy trì cuộc sống, dù còn chút hy vọng cuối cùng”.

Đại úy Nguyễn Văn Lùng thăm hỏi, động viên phạm nhân đang lao động, cải tạo tại Trại Tạm giam Công an tỉnh.

Dù đã có thâm niên gần 15 năm gắn bó với công tác quản lý phạm nhân, đến cán bộ quản giáo tại Trại Tạm giam (Công an tỉnh), nhưng Đại úy Lùng không nói nhiều về thành tích của mình. Thành công trong công tác quản giáo của anh, tôi được nghe nhiều hơn qua lời nhận xét của lãnh đạo, của đồng nghiệp và trong ánh mắt của từng phạm nhân chứa đầy sự tin yêu, quý trọng khi họ kể về anh.

Thượng tá Trần Hoàng Lộc, Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh, cho biết: “Đại úy Nguyễn Văn Lùng là cán bộ trẻ, rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, đến việc nghiên cứu các các văn bản liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ, từ sự kết hợp hài hòa chuyên môn nghiệp vụ với kinh nghiệm thực tiễn, gắn với cái tâm của người làm công tác quản giáo: Rất tích cực, chịu khó đến xuống buồng giam nắm bắt tâm tư, nguyện vọng phạm nhân, cảm hóa tốt tư tưởng phạm nhân, giúp họ ổn định tinh thần, chấp hành án tốt, có động lực, niềm tin quay đầu hướng thiện… Với sự miệt mài, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Lùng được Ban Giám đốc cũng như đồng nghiệp tín nhiệm chọn là Phó Đội trưởng Đội quản giáo năm 2013, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; đặc biệt đồng chí nhận được rất nhiều sự tin yêu, quý mến, kiêng nể từ phạm nhân trong quá trình cảm hóa, giáo dục họ… Đó được xem là thành công lớn của người cán bộ làm công tác quản giáo”.

Đại úy Nguyễn Văn Lùng, chia sẻ: “Bản thân luôn quan niệm, phải làm việc bằng cái tâm với nghề và sự nhạy bén cần thiết để có thể thấu hiểu từng điều kiện hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của phạm nhân mà có cách giáo dục cho phù hợp. Phạm nhân dù phạm tội gì đi nữa thì trong họ vẫn còn một phần lương tri con người. Có những trường hợp vì sinh lòng tham, hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc gặp sự cố trong làm ăn, phút nông nổi nhất thời… đều có thể dẫn đến con đường tù tội. Vì vậy, công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân mà phải đánh thức được mầm thiện trong họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực để có một cuộc sống mới tốt hơn sau khi ra trại. Trường hợp của phạm nhân L.K.L. (ấp Khai Hoang Vàm, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi) bị bắt vào trại giam đầu năm 2018, với tội danh giả mạo trong công tác, chấp hành mức án 3 năm 3 tháng tù giam. Anh L. cho biết: “Chỉ vì ham lợi trước mắt, đưa tôi đến việc làm vi phạm pháp luật, mất cả sự nghiệp, tôi rất buồn và hối hận. Lúc mới vào trại giam, tôi gần như bị trầm cảm, sống khép kín, bất mãn… Nhưng nhờ cán bộ Lùng, cũng như các cán bộ khác tại đơn vị động viên, chia sẻ, trấn an, giúp tôi ổn định tinh thần, tích cực lao động tốt, mong nhận được chính sách khoan hồng, giảm thời gian thụ án để sớm trở về bên gia đình”.

Tính đến nay, bà L.T.Y. ra trại được gần 3 tháng, ông L.T.H. ra trại hơn 8 tháng; và gần 15 năm công tác, tiếp cận với rất nhiều phạm nhân khác sau khi chấp hành án trở về hòa nhập cộng đồng, họ vẫn thường xuyên liên lạc hỏi thăm sức khỏe Đại úy Lùng. Ngoài ra, còn có những món quà mang giá trị tinh thần: Những lá thư cảm ơn của phạm nhân để lại sau khi mãn thời gian chấp hành án hay là những lời cảm ơn trực tiếp hằng ngày của phạm nhân dành cho anh… là thành quả “ngọt lịm” từ hành động, từ việc làm ý nghĩa, nhân văn của Đại úy Nguyễn Văn Lùng, dành cho phạm nhân trong thời gian chấp hành án tại đơn vị. Bằng lương tâm, trách nhiệm của cán bộ quản giáo, Đại úy Lùng vẫn đang miệt mài với công tác ấy, góp phần đẩy lùi cái ác, ươm mầm thiện và tiếp tục trả về xã hội những công dân thiện lương, có ích cho đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *