Nơi đón tết sớm nhất cả nước

Trung tá Trương Văn Thủy (bên phải), Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10, đón nhận quà tết của đất liền gửi tặng. Ảnh: TRUNG THÀNH

Quà tết vượt sóng lên giàn qua dây

Sau khi chuyển hàng quà tết cho cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/11 (Tư chính 4), tàu Trường Sa 19 đưa Đoàn chúc tết số 2 đến Nhà giàn DK1/10 trên bãi cạn Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Đây là nhà giàn xa nhất trong hệ thống 15 Nhà giàn DK1 bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, và được gọi là “nhà giàn cực Nam” Tổ quốc, giáp ranh với vùng biển Malaysia và Philippines.

Trước những con sóng lừng lững cấp 7 và gió chướng thổi mạnh, tàu Trường Sa 19 có lượng dãn nước gần 1.000 tấn, vậy mà phải “chồm lên ngụp xuống” để chống sóng. Xác định không lên giàn được bằng xuồng máy, Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã triển khai cho các thủy thủ “chuyển quà bằng dây kéo, đưa các chiến sĩ lên giàn bằng dây ròng rọc”.

Các chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 cùng đoàn chúc tết giao lưu văn nghệ, đón giao thừa sớm.

Giữa sóng to gió lớn, gần 10 tấn hàng quà quân nhu, lương khô, gạo tẻ và quà tết do nhân dân gửi tặng được các thủy thủ tàu Trường Sa 19 chuyển từ khoang tàu ra lan can, cột chặt vào dây mồi, thả xuống biển để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên. Để “khỏe quân”, các chiến sĩ thay quân ngồi vào cái quang hình chữ T, một đầu dây được thủy thủ tàu Trường Sa 19 níu giữ, bộ đội nhà giàn kéo đầu dây bên kia. Chiến sĩ thay quân lên nhà giàn bằng “đường không” ấy.

Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến cho biết, DK1/10 đóng trên bãi cạn Cà Mau – vùng biển ít sóng gió và rất hiếm khi chuyển hàng quà lên nhà giàn này bằng dây kéo. “Trong nhiều lần đoàn đem quà, hàng tết cho các chiến sĩ DK1/10, thì đây là lần hiếm phải chuyển qua dây kéo. Mặc dù cơn bão số 1 không còn “tàn dư”, song sóng rất lớn, gió rất mạnh. Nếu đưa hàng quà lên nhà giàn bằng xuồng máy, nguy cơ mất an toàn cao. Bởi vậy chúng tôi quyết định chuyển quà, hàng quà lên nhà giàn bằng dây kéo theo phương án đã định sẵn”.

Sau 2 ngày chuyển hàng, quà lên nhà giàn, những con sóng như quả núi giảm hẳn. Mặt biển mờ sương, dịu dần. Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến quyết định hạ xuồng đưa phóng viên báo, đài cùng sĩ quan, thủy thủ tàu Trường Sa 19 lên nhà giàn tổ chức đón giao thừa sớm.

 Tất niên sớm nhất 

Có thể nói tính đến thời điểm này, Nhà giàn DK1/10 là nơi đón tết sớm nhất cả nước. Khi nhận được quà tết, Trung tá Trương Văn Thủy, Chỉ huy trưởng nhà giàn đã triển khai cho các chiến sĩ làm heo, gói giò. Sáng 11/1, cán bộ chiến sĩ nhà giàn cùng đoàn chúc tết gói bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc.Trung tá Thủy cho biết, khi tàu chưa đến, cán bộ, chiến sĩ cứ thấp thỏm chờ đợi, có chiến sĩ cả đêm không ngủ. Nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền cũng tăng lên những ngày cận tết.

Giữa không gian của nhà giàn chật hẹp, sĩ quan ngồi cạnh thủy thủ, chiến sĩ ngồi bên phóng viên thành một vòng tròn khép kín. Chính trị viên nhà giàn – Thượng úy Trần Khánh Nhật bắt nhịp bài hát “Hát mãi khúc quân hành”. Sau đó là chương trình giao lưu văn nghệ. Chiến sĩ trẻ chia sẻ tâm trạng lần đầu tiên đón tết trên biển, kể chuyện câu cá, trồng rau; phóng viên kể chuyện nhịp sống đất liền những ngày cận tết, cầu chúc cho nhau sức khỏe, đón xuân mới an lành, vững vàng tay súng.

Người lên nhà giàn bằng đường “hàng không”.

Lần đầu tiên đón tết ở nhà giàn, binh nhất, chiến sĩ pháo thủ Trần Tuấn Khang chia sẻ: “Những ngày này tôi cảm giác rất nhớ đất liền, gia đình, song cũng yên tâm. Ở đây đồng đội coi nhau như người ruột thịt. Là thanh niên tôi muốn thử sức, rèn luyện nơi gian khổ để trưởng thành”. Lần thứ hai Thượng úy, Chính trị viên Trần Khánh Nhật đón tết xa nhà cũng là hai năm anh đảm nhiệm trang trí bàn thờ Tổ quốc, “chủ bút” tờ báo tường “vui xuân mới – chắc tay súng”. Nhật chia sẻ trong niềm tự hào: “Đã là người lính thì đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Nếu không có những người lính Nhà giàn DK1, thì ai canh biển, đảo của Tổ quốc để nhân dân đón tết yên bình? Niềm vui của chúng tôi chỉ được trọn vẹn khi nhân dân cả nước đón tết, vui xuân trong hòa bình, hạnh phúc”.

Cuộc chia tay bịn rịn giữa người về đất liền và người ở lại. Nắm chặt tay Trung tá Trương Văn Thủy giữa sàn cập tàu, Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến xúc động nói: “Để nhà giàn này vững chãi, sĩ quan đã hy sinh. Chúng ta cùng nhau bảo vệ giữ gìn. Đây là cột mốc chủ quyền, là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tàu Trường Sa 19 hú ba hồi còi tạm biệt Nhà giàn DK1/10, tạm biệt những chiến sĩ nơi cực Nam của Tổ quốc. Từ lan can của tàu, chúng tôi kịp nhìn thấy những cánh tay mờ dần, mờ dần khi tàu xa khoảng cách nhà giàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *