Nơi hướng thiện của những người lầm lỗi

Ban Giám thị trại đóng góp vào quỹ “Tấm lòng vàng” giúp hàng trăm phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau, bệnh tật, phạm nhân không người thăm nuôi…

Giáo dục tình người

Ban Giám thị trại báo cáo tình hình, kết quả công tác giáo dục cải tạo và thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân. Đến phần ý kiến của người nhà phạm nhân, bà H. rưng rưng: “Khó có từ ngữ nào có thể diễn tả hết sự vui mừng của tôi hôm nay. Chỉ biết là tôi và gia đình rất cảm ơn cán bộ đã giáo dục, dạy dỗ con trai tôi trở thành người biết ăn năn, hối cải, chịu sửa đổi”. Bà H. nay 75 tuổi ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, vừa xuất viện về, lại lật đật vào dự họp mặt, để được trực tiếp nói lời cảm ơn đến cán bộ trại. 

Những ngày đầu vào trại, phạm nhân Lê Như T. (con bà H.) ngang bướng không chịu chấp hành nội quy, thường xuyên gây rối, phạm lỗi, mỗi lần đến thăm, bà H. đều bị cán bộ “mắng vốn”. Hơn 7 năm ở trại, được sự quản lý, giáo dục của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ, con bà H. đã nhận ra tội lỗi, những năm gần đây đều có thành tích cải tạo tốt. T. còn tham gia vào đội văn nghệ, thể thao của trại, tạo động lực tinh thần cho nhiều bạn đồng cảnh, cùng phấn đấu cải tạo tốt, mong được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Trong năm 2019, số lượng phạm nhân đưa đến trại chấp hành án tăng so với năm 2018, đến ngày 25/9, có tổng số trên 2.000 phạm nhân. Tỷ lệ phạm nhân xếp loại khá, tốt, năm sau luôn cao hơn năm trước; phạm nhân vi phạm kỷ luật và xếp loại cải tạo kém được kiềm chế dưới 3%. Từ đầu năm đến nay, trại đã thực hiện 3 đợt xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 1.314 phạm nhân, thực hiện 2 đợt xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 28 phạm nhân.

Thượng tá Phan Văn Hái, Giám thị Trại giam Cái Tàu, bày tỏ: “Họ cũng là con người như bao người khác, có người chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy, có khi chỉ là bột phát, nhất thời dại dột mà phải vào đây. Vì thế, anh chị em cán bộ quản giáo đều thống nhất quan điểm là cần cảm thông, giúp đỡ, chia sẻ cùng họ, từng bước cảm hóa, giáo dục họ sớm nhận ra lỗi lầm, tạo sự chuyển biến về tư tưởng, tình cảm và có quyết tâm cao trong lao động cải tạo, được giảm án, đặc xá, để sớm trở về với gia đình, xã hội. Nhiều người sau khi được ra trại đã viết thư, gọi điện thăm hỏi đến Ban Giám thị Trại giam và cá nhân các cán bộ quản giáo đã nhiệt tình giúp đỡ họ”.

Với cái nhìn bao dung, trách nhiệm, Trại giam Cái Tàu đã áp dụng đồng bộ, đầy đủ các hình thức, phương pháp giáo dục tác động vào phạm nhân, giúp họ thay đổi nhận thức, tích cực lao động, học tập, cải tạo tiến bộ và trở thành người có ích cho xã hội. Trại chú trọng đến công tác giáo dục công dân, giáo dục pháp luật cho phạm nhân mới nhập trại, phạm nhân đang chấp hành án và giáo dục tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho những phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Hàng tuần, các phân trại tổ chức phát thanh các chuyên mục: Trả lời thư phạm nhân, ca cổ nhạc theo yêu cầu, đọc thư gửi lời xin lỗi… Đặc biệt hàng tháng, trại đều nêu gương những phạm nhân tích cực lao động, học tập tiến bộ; phê phán những hành vi vi phạm nội quy; tặng quà chúc mừng phạm nhân nhân ngày sinh nhật, ngày 8/3, 20/10… Qua các hoạt động vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân chấp hành án phạt tù, vừa tạo không khí vui tươi, giảm bớt căng thẳng sau những giờ lao động, học tập, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức.

Trại phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng quà chúc mừng phạm nhân nữ nhân ngày 8/3, 20/10 hàng năm, giúp họ có thêm động lực, niềm tin cải tạo tốt.

Thắp sáng hy vọng ngày về

Phạm nhân chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú thì tỷ lệ có việc làm ổn định còn thấp, nhiều trường hợp bỏ địa phương đi nơi khác làm ăn, sinh sống, thậm chí có một số trường hợp tái phạm tội. Trước thực tế đó, hàng năm trại đều phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để tổ chức từ 8 – 10 lớp dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân, với những ngành nghề phù hợp và theo nhu cầu xã hội: Nghề mộc, đan lông mi mắt giả, đan ghế, may túi xách, xây dựng, trồng hoa màu và các ngành nghề khác. Song song đó, trại chủ động rà soát số phạm nhân sắp chấp hành xong án để tư vấn và giới thiệu cho các đơn vị phối hợp để giúp đỡ khi họ tái hòa nhập cộng đồng.

Tại đây, phạm nhân được bố trí lao động phù hợp với điều kiện sức khỏe, giới tính, độ tuổi; thời gian lao động không quá 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần. “Cùng với việc quản lý, giáo dục, cảm hóa, công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân được Trại giam chú trọng, nhằm tạo cho phạm nhân chiếc “cần câu” để thắp sáng trong họ niềm hy vọng trở về, vững tin hòa nhập với cuộc sống, làm lại cuộc đời. Bằng kết quả lao động, đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân cũng được cải thiện khi họ được hưởng một phần thành quả lao động của mình. Đặc biệt, chính quá trình lao động, học nghề mang lại hứng thú, niềm vui, hy vọng, họ biết trân trọng thành quả lao động của mình và của người khác”, Thượng tá Phan Văn Hái chia sẻ.

Là một trong những phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, anh Nguyễn Thanh A. (sinh năm 1975) quê huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, tâm sự: “Do nghề nghiệp không ổn định, không biết làm gì nên tôi vướng vào vòng lao lý và phải vào cải tạo tại đây. Tôi đã từng nghĩ không biết đến ngày trở về mình sẽ làm gì để có thể lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình khi không có nghề nghiệp. Thế nhưng 8 năm qua tôi được học nghề mộc, nghề xây, trồng cây ăn trái… Ngày về, tôi sẽ đi làm và sống bằng cái nghề mình có, quyết tâm trở thành công dân tốt”.

Đặc biệt, trại thực hiện phân phối và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân đúng quy định. Trại đã trích từ kết quả lao động của phạm nhân để bổ sung mức ăn, chi ăn thêm cho phạm nhân, hỗ trợ phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng phạm nhân, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng… thông qua quỹ “Hòa nhập cộng đồng”. Bên cạnh đó, trại còn “sáng kiến” thành lập thêm quỹ “Tấm lòng vàng”, huy động đóng góp từ cán bộ, chiến sĩ trại, nhà hảo tâm, doanh nghiệp và thân nhân phạm nhân, đã qua giúp hàng trăm phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau, bệnh tật, phạm nhân không người thăm nuôi… Từ đó góp phần động viên rất lớn phạm nhân trong quá trình cải tạo, không chỉ là vật chất mà còn là tình người luôn dang tay với những ai biết quay đầu, hối lỗi.

Công việc quản lý, cải tạo phạm nhân với nhiều tội danh khác nhau khiến những người làm công tác này phải đối mặt với nhiều áp lực, nguy hiểm. Song bằng cái tâm và trách nhiệm, mỗi cán bộ chiến sĩ Trại giam Cái Tàu đã và đang từng ngày, từng giờ thầm lặng giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi. Niềm vui, niềm hạnh phúc của họ là phạm nhân sớm được trở về với gia đình, sống có ích cho xã hội.

Trại giam Cái Tàu trực thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng (C10), Bộ Công an, đứng trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh. Trại giam Cái Tàu có ba phân khu: Phân trại số 1 và 3 đóng trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh; Phân trại số 2 đóng trên địa bàn xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Nhiều năm liền được Cục đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *