Nỗi lo an toàn về điện, môi trường trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh

Là một trong những địa phương trọng điểm nuôi tôm TC và STC trên địa bàn, nhiều năm qua, năng suất và sản lượng tôm nuôi tại Cái Nước đã đóng góp một phần quan trọng vào tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh, đời sống người nuôi tôm trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực và dần đi vào thế ổn định, từng bước phát triển. Diện tích nuôi tôm TC và STC trên địa bàn hiện có trên 30ha với 231 ao nuôi/161 hộ. Cùng với đó là diện tích nuôi TC đã đạt trên 2.000ha. Chỉ 2 hình thức nuôi tôm trên đã góp phần đưa sản lượng tôm lên trên 5.000 tấn, tăng gần 500 tấn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của lãnh đạo tỉnh và các ngành chuyên môn vừa qua, cho thấy, việc tập huấn kỹ thuật nuôi đạt hiệu quả chưa cao, một số hộ nuôi chưa nắm được quy trình kỹ thuật nuôi. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ nuôi thực hiện theo quy định điều kiện nuôi còn hạn chế nên việc bố trí hệ thống công trình nuôi chưa đạt yêu cầu, nhất là hệ thống xử lý chất thải, nước thải và hệ thống điện. Biên bản kiểm tra điều kiện nuôi tôm TC, STC ghi nhận không đúng thực trạng công trình nuôi của hộ dân, chưa có bản vẽ hiện trạng, bản vẽ sau khắc phục, thời gian hộ dân cam kết khắc phục từng nội dung chưa đạt yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát địa bàn và xử lý vi phạm đã qua chưa thật tốt, nên một số hộ dân chưa xây dựng hoàn thiện công trình nuôi nhưng vẫn được thả nuôi, thậm chí có hộ đã thu hoạch, đang cải tạo nuôi tiếp trên hiện trạng cũ.

Người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn lơ là trong sử dụng an toàn điện. Ảnh chụp tại xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần nâng cao vai trò người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo, điều hành phát triển nuôi tôm TC và STC theo các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn trong sử dụng điện. Cần thực hiện tốt trong hình thành biên bản thẩm định điều kiện nuôi tôm; xử lý môi trường; kiểm tra, xử lý vi phạm xả thải; an toàn sử dụng điện gắn với thực hiện tốt về công khai, minh bạch trong việc áp giá điện sản xuất. Về tổ chức lại sản xuất, tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển nuôi tôm TC và STC mang tính tập trung; xây dựng và phát triển các hợp tác xã để làm cơ sở cho việc thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất.

Diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn ổn định với 9.614,65ha/15.918 hộ nuôi, trong đó diện tích nuôi STC 1.442,109ha/1.183 hộ nuôi. Trong đó hiện có 186,6ha chuyển sang các đối tượng nuôi khác: Cua, cá; có 607,89ha tạm ngưng nuôi. Từ đầu năm đến nay đã có 84,24ha nuôi tôm công nghiệp bị bệnh, tỉnh đã cấp 20,83 tấn Chlorine xử lý trên phần diện tích 57,88ha, phần còn lại người dân tự xử lý.

Đối với an toàn lưới điện, qua thống kê cho thấy, năm 2017 đã xảy ra 50 vụ tai nạn điện, làm chết 45 người và 8 người bị thương, phần lớn xảy ra trên đầm tôm công nghiệp, mà nguyên nhân do sử dụng điện phục vụ sản xuất thiếu an toàn, bất cẩn, không theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Trước thực tế trên, tỉnh vừa ban hành Kế hoạch giảm tai nạn điện trên địa bàn với yêu cầu hằng năm phấn đấu giảm tai nạn điện trong dân ít nhất từ 50% trở lên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm trước. Địa phương nào để xảy ra tai nạn điện chết người, do thiếu trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân và người dân sử dụng điện, Chủ tịch UBND các huyện, TP.Cà Mau chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *