Nông dân Cà Mau vào vụ mùa mới

Việc cày ải và xuống giống vụ mùa mới đã được các địa phương vùng ngọt hóa hoàn tất.

Vùng ngọt ứng phó với thời tiết xấu

Các địa phương hiện đang tập trung vào trồng lúa chất lượng cao. Vụ sản xuất năm nay, nhờ chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, trồng trọt ngay từ đầu năm nên công tác chỉ đạo sản xuất kịp thời, đúng tiến độ.

Các địa phương chủ động xây dựng lịch thời vụ và bố trí cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng sản xuất trên địa bàn. Việc điều tra, dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời, nên hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cây trồng. Bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, các chương trình, dự án đã được triển khai đúng tiến độ: Mô hình cánh đồng lớn, mô hình nhân rộng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng. Công tác chuyển đổi giống lúa từ chất lượng thấp, trung bình sang giống lúa đặc sản chất lượng cao được nông dân áp dụng rộng rãi, từ đó chất lượng và giá trị lúa hàng hóa tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, việc cung ứng giống cho bà con còn gặp khó, bởi tỉnh chỉ có một cơ sở sản xuất lúa giống là Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau. Hằng năm, Trung tâm cung cấp khoảng 10 – 15% (khoảng 1.500 – 2.000 tấn/năm) lượng lúa giống phục vụ nông dân trong tỉnh sản xuất; số lúa giống còn lại phải nhập từ các tỉnh: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… từ đó dẫn đến giá lúa giống khá cao.

Vụ mùa năm 2019, huyện Thới Bình phấn đấu xuống giống lúa trên đất nuôi tôm đạt 20.000ha, trong đó sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 500ha; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa đặc sản gồm ST20 và ST24 ở 5 xã với diện tích hơn 2.000ha. Hiện có 3 công ty ngoài tỉnh đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hợp tác xã và các hộ dân khoảng 1.700ha, tập trung nhiều nhất ở xã Trí Lực với 660ha.

Nhiều hộ dân cho rằng năm nay thời tiết rất bất lợi nhưng vẫn quyết tâm “bám” cây lúa trên đất nuôi tôm, vì trồng lúa không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn cải tạo môi trường đất, gốc rạ thì làm thức ăn cho tôm, các chất độc trong vuông được cây lúa hút hết, nhờ vậy nên năm nào cấy được vụ lúa là trúng vụ tôm.

Theo lịch thời vụ, khoảng cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 (âm lịch) hàng năm, nông dân vùng sản xuất lúa – tôm trong huyện Thới Bình tiến hành rửa mặn và cấy lúa. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết diễn biến bất thường, mưa ít, nắng nhiều nên bà con gặp khó trong khâu rửa mặn, đồng thời thiệt hại một số diện tích mạ gieo để cấy trên đất nuôi tôm. Bên cạnh đó, bà con nông dân lo lắng nhất là thiếu hụt nhân công, bởi phần lớn lao động nông thôn hiện nay đều đi lao động ngoài tỉnh, dẫn đến nhiều hộ gia đình phải bỏ đất trống hoặc cấy năn.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Phòng Nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con tập trung rửa mặn và chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, chất lượng cao, thích ứng tốt với điều kiện đất nhiễm mặn để gieo sạ cho kịp thời vụ.

Cũng như những năm trước, từ tháng 8 – 9 (âm lịch), các vùng nuôi tôm quảng canh, công nghiệp bắt đầu cải tạo lại ao đầm bước vào mùa vụ mới. Do ảnh hưởng của mưa bão, năm nay vụ cải tạo vuông diễn ra trễ hơn bình thường.

Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn đã cho kết quả ban đầu khả quan và hướng nhân rộng trong thời gian tới.

Nông dân vùng mặn chủ động trước vụ mùa

Còn đối với các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển thì thời điểm này, bà con đưa cơ giới vào sản xuất, cải tạo lại ao đầm, sên vét, thuốc cá, rải vôi… Tất cả với tâm thế sẵn sàng cho một vụ mùa mới. Nhiều mô hình sản xuất đã, đang và sẽ được nhân rộng tại các địa phương này. Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, với nhiều ưu điểm vượt trội, đang ngày càng “thịnh hành” ở nhiều tỉnh, thành nuôi tôm trọng điểm. Tại Cà Mau, tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để nhân rộng.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau triển khai phương án Hỗ trợ thiết bị ương tôm sú giống trong nuôi tôm 2 giai đoạn tại 9 huyện, thành phố với quy mô 54 bể/54 hộ thực hiện, trong đó mỗi huyện 2 điểm, mỗi điểm 3 hộ. Cụ thể, nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) 2 giai đoạn triển khai tại các huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Thới Bình và Trần Văn Thời với 21 tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 12 triệu giống, thả cho 816ha; nuôi QCCT ít thay nước tại các chuyện: U Minh, Đầm Dơi, Cái Nước và TP. Cà Mau với 12 tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 6,9 triệu giống, thả cho 466ha; nuôi tôm – lúa tại các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và TP. Cà Mau với 12 tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 7 triệu giống, thả trên diện tích 470ha.

Điểm nổi bật của quy trình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn đó là tôm giống khi đem về ương trong bể có diện tích nhỏ, môi trường được xử lý tốt, quá trình chăm sóc quản lý giống như trại sản xuất giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, đạt tỷ lệ sống cao. Cùng đó, khi ương tôm giai đoạn 1 nước được lấy từ vuông nuôi nên các yếu tố môi trường tương đồng; khi chuyển tôm xuống ao đất tôm không bị sốc, người nuôi có thể kiểm soát được mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn phát triển, nhờ đó rất dễ dàng chủ động lượng thức ăn bổ sung.

Việc hỗ trợ này tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức của người dân trong việc ương, thuần tôm trước khi thả nuôi, tôm kích cỡ lớn thích nghi với môi trường để giảm hao hụt trước khi thả ra vuông nuôi ở giai đoạn 2. Kết quả, tổng lượng tôm của 54 bể ương đạt khoảng 30 triệu post, chuyển xuống vuông nuôi khoảng 21 triệu con, có 1.150 hộ sử dụng với diện tích nuôi hơn 2.100ha. Từ đó, giúp nâng cao năng suất hiệu quả trong nuôi tôm 2 giai đoạn, năng suất tăng 20 – 30% so với trước khi áp dụng mô hình.

Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn thực hiện, mang lại kết quả khả quan. Mô hình triển khai thực hiện với 6 bể ương tại 6 hộ trên địa bàn hai xã Đất Mới và Hiệp Tùng (3 bể/xã). Bể ương (100m2/bể) được đặt trên mặt đất, thiết kế khung sắt bao quanh, bên trong lót bạt, thả 100.000 tôm sú giống, mật độ 1.000 con/m2. Các hộ tham gia được ngành chức năng hướng dẫn lý thuyết và hỗ trợ kỹ thuật; theo quy trình, sau 12 – 20 ngày, tôm sẽ chuyển ra vuông và tiếp tục quản lý về nguồn nước và có bổ sung thức ăn. Sau 3 – 4 tháng thả nuôi, nhiều hộ đã thu tỉa, tôm đạt đầu con và phát triển tốt.

Từ hiệu quả đem lại, nuôi tôm 2 giai đoạn trở thành một trong những mô hình trọng điểm được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau nhân rộng trong thời gian tới.

Nông dân các địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng, chủ động trước thách thức mùa vụ; hứa hẹn mùa sản xuất thành công từ sự chủ động của người dân và chính quyền địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *