Nông nghiệp phát triển từ ứng dụng khoa học vào sản xuất

Nhiều cách thức để nông dân làm kinh tế

Nổi bật là giai đoạn 2016 – 2018, tổng sản phẩm (GRDP) của ngành Nông nghiệp năm 2018 đạt 15.360 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 4,33% so với năm 2016 (13.526 tỷ đồng). Diện tích nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp có hiệu quả trong năm 2018 là 1.002ha; hình thức nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển khá nhanh, năng suất bình quân đạt từ 30 – 50 tấn/ha/năm. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) không ngừng tăng, năng suất bình quân từ 400 – 500kg/ha/năm; mô hình từng bước khẳng định tính hiệu quả, góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 38.164ha nuôi tôm sú QCCT hai giai đoạn, tăng 31.624ha so với năm 2017. Đây là hình thức nuôi tôm sú QCCT cho hiệu quả nhất hiện nay, được áp dụng cho nhiều loại hình nuôi: QCCT, quảng canh, tôm – lúa, tôm – rừng… Mô hình nuôi tôm sú QCCT hai giai đoạn kiểm soát được mật độ, tăng tỷ lệ sống, chi phí thả giống thấp, kiểm soát được thức ăn tự nhiên, dễ áp dụng, hiệu quả và bền vững… có khả năng nhân rộng trên địa bàn Cà Mau, được người dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Ngoài ra, một số mô hình nuôi thủy sản khác cũng cho hiệu quả khá cao, đang được các địa phương tiếp tục nhân rộng: Nuôi tôm thâm canh có hố siphon, nuôi kết hợp tôm – cua, tôm – cua – sò, nuôi tôm tít…

Cà Mau đang triển khai nhân rộng “Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn năm 2015” và “Mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn năm 2017 – 2020” tại huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và phát triển giống lúa mùa địa phương phục vụ cho vùng sản xuất lúa mùa và lúa – tôm tỉnh Cà Mau: Sau khi tiếp nhận nguồn giống ban đầu từ Viện Nghiên cứu – Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), đã phục tráng 400kg, gồm các loại giống: Một bụi đỏ, một bụi lùn, tài nguyên sữa và tép hành. Trung tâm Giống nông nghiệp tiến hành triển khai thực hiện dự án với quy mô 510ha. Kết quả, dự án sản xuất được trên 800 tấn giống cấp xác nhận và tương đương phục vụ vùng sản xuất lúa mùa và lúa tôm của tỉnh. Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm Giống nông nghiệp bố trí diện tích 3,5ha để trồng tiếp tục chọn lọc và duy trì các giống lúa mùa.

Dự án nhân rộng mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được tổ chức nhân rộng trên 2.000ha diện tích trên các loại cây trồng (lúa, rau màu, cây ăn trái). Mô hình được thực hiện nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng phân, thuốc hóa học đối với sức khỏe, môi trường và sự an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Dự kiến đến năm 2020 mở rộng 70% diện tích ứng dụng IPM trên cây trồng.

Ngoài ra, mô hình sản xuất lúa an toàn giảm giá thành được nhân rộng tại các huyện, TP. Cà Mau với diện tích 10.000ha; mô hình sản xuất lúa hữu cơ 100ha… Mô hình trồng rau an toàn được nhân rộng chủ yếu trên địa bàn TP. Cà Mau và các huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Năm Căn, U Minh được 1.000ha.

Triển khai nhân rộng “Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn năm 2015” và “Mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn năm 2017 – 2020” tại huyện U Minh và Trần Văn Thời. Kết quả bước đầu của hai mô hình đáng khích lệ, người dân nhiệt tình tham gia tập huấn về kỹ thuật thực hiện mô hình.

Từ sự đồng lòng

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương đã ý thức được tầm quan trọng của việc triển khai nhân rộng các dự án, mô hình sản xuất có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó, đã chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm, nên công tác nhân rộng được triển khai kịp thời và đúng tiến độ, vận động bà con đăng ký và tham gia thực hiện các mô hình ngày một tốt hơn. Sử dụng các nguồn vốn của địa phương, vận động và kết nối với doanh nghiệp để xây dựng và triển khai nhân rộng một số mô hình có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, được sự đồng tình ủng hộ của người dân trong triển khai thực hiện.

Các hội, đoàn thể đã phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên đăng ký và tham gia thực hiện các mô hình; tranh thủ các nguồn vốn trong Hội để xây dựng các mô hình thí điểm cho hội viên. Bà con nông dân luôn cầu tiến, tìm tòi học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn vào việc thực hiện các dự án, mô hình mới có hiệu quả sau khi đi tham quan học tập kinh nghiệm… Trong quá trình thực hiện, bà con có những sáng tạo mới để phù hợp với điều kiện thực tế, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất… Từ đó, mô hình sản xuất có tính bền vững hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

Dự án nhân rộng mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) triển khai được trên 2.000ha lúa, rau màu và cây ăn trái.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện cũng tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới: Một số dự án, mô hình đã và đang sản xuất có hiệu quả nhưng nhân rộng còn chậm, chưa xứng với tiềm năng của địa phương; địa phương chưa tập trung xác định mô hình, đối tượng chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện nên còn xây dựng, nhân rộng mô hình dàn trải, dẫn đến hiệu quả nhân rộng không cao. Một bộ phận người dân chưa nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo sản xuất, hạn chế trong việc nắm bắt thông tin về cơ chế, chính sách, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật; còn trông chờ các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Từng lúc, từng nơi những dự án, mô hình được xác định có hiệu quả nhưng do nhiều nguyên nhân: Chất lượng giống, môi trường, dịch bệnh, thời tiết… nên trong quá trình sản xuất có rủi ro, dẫn đến hiệu quả mang lại không cao, đặc biệt đối với mô hình nuôi tôm, từ đó người dân thiếu lòng tin vào quy trình mô hình, quay về sản xuất theo tập quán cũ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đề nghị, phải đánh giá thật nghiêm túc, khách quan, hiệu quả các đề tài, dự án để có chỉ đạo nhân rộng. So sánh tính hiệu quả, sức sống của từng đề tài sau khi ứng dụng thực tế để tìm ra “nút thắt”, phải gắn trách nhiệm của người làm nghiên cứu với các sản phẩm khoa học để mang lại hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, cần đổi mới phương pháp nghiên cứu, sàng lọc đề tài, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, không tràn lan mà tập trung nghiên cứu sâu hơn. Tính toán lại kinh phí hỗ trợ trong triển khai, đánh giá, ứng dụng từng đề tài, tăng cường hơn nữa hoạt động tư vấn để có đề tài chất lượng, đóng góp tốt hơn vào phát triển xã hội và phục vụ cho người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *