Nông thôn mới đổi thay cuộc sống người dân

Người dân tận dụng tối đa sân vườn, đất trống trồng hoa màu, vừa phục vụ bữa ăn, tăng thu nhập, vừa tạo cảnh quan đẹp cho vùng nông thôn.

Năm 2011, bắt tay xây dựng NTM, xã Phú Thuận chỉ đạt 5/19 tiêu chí, hộ nghèo 8,9%; thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 19 triệu đồng/người/năm. Điểm xuất phát thấp, hành trình xây dựng NTM ở Phú Thuận gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bằng sự chỉ đạo kỳ quyết của Huyện ủy Phú Tân, chính quyền địa phương và sự chung sức của nhân dân, đến nay Phú Thuận đã về đích xã NTM. Tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình gần 190 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 58 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 31,5%.

Ông Hồ Hỡi cho biết thêm: “Ngoài thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu 19 tiêu chí NTM đúng chuẩn đề ra; chính quyền địa phương còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề sinh kế, nâng cao thu nhập, mức sống người dân; các vấn đề về sức khỏe, vệ sinh môi trường… để NTM thực sự mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều so với trước đây”.

Từ mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư trên địa bàn; đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, gắn với kinh tế hợp tác; xây dựng nhiều mô hình hiệu quả. Người dân cũng được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất, từ đó góp phần tăng thu nhập. Hàng năm hộ khá giàu đều tăng, hộ nghèo, cận nghèo giảm. Qua rà soát, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 45,81 triệu đồng/người/năm và đến tháng 6/2020 là 50,16 triệu đồng/người/năm.

Chính quyền địa phương, đoàn thể cùng người dân phát cỏ, cắt tỉa cây xanh, tạo diện mạo đẹp trước ngày đoàn thẩm định xã NTM xuống thẩm định.

Để đạt được mức thu nhập cao như hiện nay, thời gian qua, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, giải quyết việc làm. Nhằm giúp nhân dân nâng cao trình độ kỹ thuật, xã đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện mở nhiều lớp tập huấn về nuôi tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến, nhiều buổi tọa đàm, hội thảo đầu bờ… Mở 39 lớp dạy nghề: Nấu ăn, may, trang điểm, sửa xe… UBND xã chủ động làm việc với các công ty trong và ngoài tỉnh về cung, cầu lao động phổ thông; giới thiệu lao động tham gia các sàn giao dịch việc làm.

Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai thực hiện và nhân rộng, trên địa bàn hiện có Hợp tác xã Tân Rạng Đông với 29 xã viên, hoạt động nuôi trồng thủy sản; 17 tổ hợp tác sản xuất với 198 tổ viên. Ban chỉ đạo sản xuất thường xuyên liên kết, phối hợp với các cơ sở cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, thu mua chế biến thủy sản trong và ngoài địa phương nhằm giúp cho người dân có được nguồn giống, vật tư chất lượng, giá cả hợp lý, giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, tư vấn hỗ trợ chọn những doanh nghiệp uy tín thu mua sản phẩm, được người dân đồng thuận, tín nhiệm cao.

Ông Lê Thành Lợi, Tổ trưởng Tổ Hợp tác nuôi chồn ấp Trống Vàm, cho biết: “Thấy mô hình nuôi chồn của bà con hiệu quả, ấp đề xuất nhân rộng lên thành tổ hợp tác, với 5 hội viên tham gia. Từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 100 triệu đồng, hỗ trợ hội viên mua con giống, xây dựng chuồng trại phù hợp, đến nay chồn đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập khá cho người nuôi, khi giá chồn thương phẩm dao động 400 – 600 ngàn đồng/kg”.

Mô hình của Tổ hợp tác nuôi chồn ấp Trống Vàm đang được đầu tư, nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Lê Thành Lợi, Tổ trưởng Tổ hợp tác, đang chăm sóc chồn thương phẩm.

Bên cạnh đó, tại ấp Rạch Láng hiện đang duy trì hiệu quả mô hình đan chiếu, giỏ nhựa… Nay là Tổ hợp tác dệt chiếu, giỏ nhựa Tiến Đạt, do chị Phạm Hồng Thu đề xuất, thành lập và trực tiếp truyền nghề, dạy nghề cho chị em. Hiện Tổ hợp tác có 6 thành viên, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động.

Tổ hợp tác dệt chiếu, đan giỏ nhựa ấp Rạch Láng được hình thành từ ý tưởng của chị Phạm Hồng Thu (bìa trái), Tổ trưởng Tổ hợp tác, giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho nhiều phụ nữ.

Hiện nay, chợ Vàm Đình được đầu tư khang trang; Trạm Y tế đảm bảo khám chữa bệnh cho nhân dân. Cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu học tập, giáo dục. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã chỉ còn 44 hộ, chiếm 1,7%; cận nghèo 89 hộ, 3,45%. Công an và các lực lượng có liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, củng cố Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự của xã và 123 tổ nhân dân tự quản, tích cực và chủ động thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tố giác các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ bình yên xóm làng. Nhân dân tự ý thức trồng hàng rào cây xanh, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp… kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để vùng nông thôn thực sự trở thành nơi đáng sống!.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *