Nông thôn mới Tam Giang Tây: Gian nan đường về đích

Theo kế hoạch, xã Tam Giang Tây phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xã chỉ đạt 10/19 tiêu chí. Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan.

Trạm Y tế xã Tam Giang Tây được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trường học, văn hóa, điện, giao thông, tổ chức sản xuất, môi trường, thu nhập và nhà ở dân cư, là các tiêu chí chưa đạt, đều cần nguồn kinh phí lớn, cùng với sự đóng góp của người dân. Trong đó, đáng lo hiện nay của xã là tiêu chí thu nhập, giao thông, chợ và môi trường.

Tiêu chí chợ, đã qua tỉnh cũng đã kết nối với nhiều nhà đầu tư khảo sát, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đơn vị nào hợp đồng đầu tư. Tiêu chí thu nhập, đa phần đời sống người dân trên địa bàn xã thu nhập chính từ nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết nên mức thu nhập chưa ổn định. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân thiếu đất sản xuất, sống bằng nghề đánh bắt, khai thác thủy sản ven bờ, thuận theo thời tiết nên đời sống bấp bênh.

Do không đất sản xuất, nên đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn xã còn bấp bênh.

Riêng tiêu chí giao thông, xã có địa bàn khá rộng, với nhiều kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, điều kiện thổ nhưỡng thấp, dễ sụt lún nên chi phí đầu tư khá cao và việc duy trì bảo quản công trình cũng gặp nhiều khó khăn. Vấn đề môi trường: Tỷ lệ dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh; xử lý rác thải… cũng đã và đang đặt ra cho xã nhiều khó khăn, cần có giải pháp kiên trì, quyết liệt trong thời gian tới.

Ông Lâm Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây, cho biết: “Hiện nay, xã còn vướng nhiều tiêu chí khó, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân để triển khai thực hiện. Hiện nay, trên tinh thần chỉ đạo của cấp trên, xã nỗ lực hết mình để thực hiện, tuy nhiên, rất cần sự quan tâm sâu sát và hỗ trợ từ huyện, các cấp, các ngành liên quan để đưa xã sớm về đích”.

Hiện nay xã tiếp tục đầu tư một số tuyến lộ giao thông nông thôn để phấn đấu đạt tiêu chí giao thông vào cuối năm 2019.

Ông Phạm Thanh Danh ở ấp Đường Đào: “Xây dựng NTM, mục đích cuối cùng là giúp dân hưởng lợi, từ đó, người dân tích cực hưởng ứng các phong trào do các ngành, đoàn thể phát động. Đồng thời, ra sức thi đua lao động sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Mong rằng, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân, NTM sẽ sớm thành hiện thực trên địa bàn xã”.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2018, xã tập trung đầu tư 2 tuyến và sửa chữa 1 tuyến lộ bê-tông, với kinh phí trên 2 tỷ đồng; thực hiện các thủ tục tiến tới công nhận 5 ấp đạt chuẩn văn hóa, đầu tư hệ thống loa truyền thanh đến 9 ấp còn lại, để đạt tiêu chí về truyền thông. Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm từng bước hoàn thiện và nâng chất các tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, điện, môi trường, nước sạch, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa và khu thể thao ấp, nhằm tạo sự đột phá, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân nông thôn.

Ông Lâm Quốc Cường kiến nghị: “Để giúp xã tháo gỡ khó khăn, xã kiến nghị UBND huyện xem xét hỗ trợ vốn, để địa phương thực hiện các hạng mục công trình, ưu tiên phục vụ cho kết cấu hạ tầng, điện, thông tin truyền thông, hộ nghèo… có cơ chế lồng ghép các chương trình dự án trên cùng địa bàn để đầu tư theo quy hoạch. Các ban, ngành và Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh; các ban, ngành cấp huyện được phân công phụ trách các ấp cần quan tâm giúp đỡ hơn nữa để các ấp, xã từng bước hoàn thiện các tiêu chí…”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *