Nữ nông dân trở thành giám đốc

Chị Tô Thùy Oanh trong ngày vui được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vinh danh Gương phụ nữ khởi nghiệp thành công.

1.

Mùa tết, hàng nhiều, nên từ sáng sớm, chị em đã tay xách tay mang nào nước, nào bánh, rồi ẵm theo con nhỏ… đi làm. Theo chân các chị, tôi gặp được chị Tô Thùy Oanh, chủ của cơ sở may. Người phụ nữ nông thôn ấy trạc tuổi 40, phong thái năng động, ấn tượng nhất ở chị là đôi mắt sáng long lanh luôn ánh lên niềm tin và tinh thần không bỏ cuộc. Buổi trò chuyện cởi mở, chân tình, tôi hiểu rằng, hành trình từ một nông dân “chân lấm tay bùn” trở thành Giám đốc một hợp tác xã may gia công ở nông thôn không hề đơn giản đối với chị Tô Thùy Oanh.

Như bao chị em khác sinh ra và lớn lên ở xứ Đầm Dơi, chị Tô Thùy Oanh ngày ngày cần mẫn với vuông tôm, chăm sóc nhà cửa, con cái… Mọi chi tiêu, rồi học hành của các con đều dựa vào 15 công vuông của gia đình. Những khi tôm thất, kinh tế eo hẹp, vợ chồng chị đi thu mua tôm, cua vòng vòng xóm, rồi mang lên TP. Hồ Chí Minh bán lại kiếm lời. Mỗi chuyến mang hàng lên, chị Oanh đều tá túc nhà chị mình trên đó. Chị Oanh chia sẻ: “Chị tôi có thời gian làm cho các công ty may, giờ may gia công tại nhà. Mỗi lần lên, tôi đều may tiếp chị, rồi dần thuần thục. Nhờ những mối quen của chị, đã giúp tôi có được những khách hàng đầu tiên”.

Bàn với chồng hốt chân hụi, chị Oanh mua 2 máy may hơn 10 triệu đồng, mang về nhà thử nghề. Bà con ai nấy bàn tán: “Nhỏ này trước giờ chỉ biết may vá quần áo cho chồng con, mà giờ mua máy móc chi không biết”. Mặc lời dèm pha, hàng ngày, hàng đêm chị rèn từng đường kim, mũi chỉ, làm hài lòng bao khách hàng khó tính.

Quyết tâm làm giàu chính đáng đã mang đến “quả ngọt” cho chị, khi ngày càng nhiều công ty may mặc ở TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng, nhiều lúc máy móc, nhân công không đủ đáp ứng nhu cầu… Chị Oanh muốn mở rộng cơ sở nhưng lại băn khoăn, bởi trước đây đã từng thất bại trong việc kinh doanh nước giải khát và ăn uống, do địa thế buôn bán không thuận lợi, vốn vay 10 triệu từ Hội Phụ nữ xã cũng mất trắng. Bởi vậy, giờ nghĩ đến kinh doanh, chị có phần e ngại.

Xổ vuông không phải nhà nào cũng trúng. Thế là nhiều gia đình ở quê chị phải xa người thân, gửi con lại cho ông bà chăm sóc, đi lao động ngoài tỉnh. Nhu cầu việc làm của chị em nông thôn rất lớn. Thực tế đó, khiến chị Oanh suy nghĩ, nếu có cơ sở may tại chỗ thì chị em vừa có thu nhập vừa tiện chăm lo gia đình. Biến ý nghĩ thành hiện thực, chị đề xuất Hội Phụ nữ xã vay 20 triệu đồng. Từ số tiền này, chị mua 4 máy may. Công việc thuận lợi, chị tích cóp mua thêm 10 máy, rồi nay có trên 20 máy, nhận may đủ các loại quần áo thời trang. Mới đây, chị mở thêm cơ sở may tại Phường 9 – TP. Cà Mau để thuận tiện gặp gỡ khách hàng, việc nhận và giao hàng cũng dễ dàng hơn.

Cơ sở may của chị Oanh chuyên nhận hàng cắt sẵn của các công ty may mặc ở tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, về vắt sổ, ráp thành phẩm theo mẫu sẵn có của công ty đưa xuống. Chị Oanh bộc bạch, nghề may công nghiệp dễ học, dễ làm, để tạo ra một sản phẩm cần phải qua nhiều công đoạn: ráp đô, túi, se lai, vắt sổ, may cổ, may tay… Đối với những thợ mới, thường được giao làm việc dễ hơn để chị em làm quen máy, rồi tiếp cận dần các công đoạn. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ.

Một công ty xuất khẩu may mặc ở TP. Hồ Chí Minh đến tham quan cơ sở để ký hợp đồng may gia công với Hợp tác xã.

Hiện nay, 2 cơ sở của chị giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, với mức lương 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Riêng gia đình chị Oanh thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng, đủ lo chuyện học hành cho 3 đứa con, hiện 2 cháu đã tốt nghiệp THPT và đang theo học tiếng Hàn, tiếng Trung tại TP. Hồ Chí Minh và 1 cháu học lớp 11.

2.

Cơ sở may gia công của chị Oanh ra đời, ngoài đáp ứng nhu cầu việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên, phụ nữ, còn là nơi đùm bọc, sẻ chia nhiều hoàn cảnh éo le, nghèo khó.

Gia đình chị Hồ Bích Phượng không đất sản xuất, thuộc diện hộ cận nghèo ở địa phương; chồng chị làm thuê, còn chị bưng bánh bán theo xóm, dành dụm lo cho 2 đứa con đang học đại học. Chị Phượng tâm sự: “Bán bánh bữa được bữa không, lại thêm sức khỏe không tốt, nên thu nhập bấp bênh lắm. Mấy tháng nay nhờ may ở chỗ chị Oanh, vừa gần nhà vừa không phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng nữa, tôi rất mừng, thu nhập cũng ổn định hơn, có điều kiện để lo việc học cho con”.

Tại TP. Cà Mau, cơ sở may của chị Oanh là mái nhà cho bao hộ dân nhập cư. Quê ở Sóc Trăng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan xuống Cà Mau lập nghiệp, 5 năm trước chồng chị đột ngột qua đời, chị gồng gánh gửi tiền về nuôi con ở quê nhà. Khi chưa vào may, chị Loan làm thuê bên ngoài, công việc không ổn định, nay được làm nghề mình yêu thích, lại được chị Oanh giúp đỡ khi gặp khó khăn, chị Loan tỏ ra phấn khởi: “Chị em làm ở đây rất thoải mái tinh thần và thời gian, đến giờ rước con thì chạy đi, rồi cơm nước lo cho gia đình xong xuôi thì chạy lại làm tiếp. Gia cảnh nào khó khăn, chị Oanh đều sẵn sàng giúp đỡ”.

Hôm ghé qua cơ sở may của chị Oanh ở Phường 9, thấy chị thân mật trò chuyện với nhân công, tôi cũng tò mò. Hỏi ra mới biết, chị Đỗ Phương Triều quê ở xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi) cùng chồng lên TP. Cà Mau tìm sở làm, chồng chị đã có việc làm phục vụ nhà hàng, còn chị mấy tháng liền thất nghiệp. Được người quen giới thiệu, chị Triều vào làm tại cơ sở chị Oanh gần tháng nay. Chị Triều bộc bạch: “Chị Oanh đang liên hệ người thân có nhà để trống, hỏi nhờ cho gia đình tôi vào ở để đỡ tốn chi phí nhà trọ hàng tháng, dành tiền lo việc học cho con, tôi mình lắm và biết ơn chị vô cùng”.

Chị Oanh (bìa phải) luôn sát cánh cùng chị em, quan sát từng đường may, mối chỉ, luôn động viên, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn.

Một giám đốc không phòng làm việc riêng, không hay ngồi phòng máy lạnh, những ngày đơn hàng nhiều, chị ngồi may tới tận 11 – 12 giờ khuya; chị theo suốt chị em, quan sát từng đường may, mối chỉ và luôn động viên, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Nhiều lao động có con nhỏ, chị Oanh tạo điều kiện cho các chị mang con đến xưởng may để vừa làm, vừa trông con. 

Điều đáng quý nữa ở chị là tinh thần phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Chị luôn giáo dục để các con hiểu được ý nghĩa của việc học tập, lao động; dạy các con biết kính trọng, lễ phép với mọi người. Gia đình chị Oanh luôn tham gia đầy đủ các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.

Với quy mô và hiệu quả trong giải quyết việc làm cho nhiều lao động của cơ sở chị Oanh, địa phương hỗ trợ nâng cấp Tổ may gia công thành Hợp tác xã may gia công Thùy Oanh, để đủ điều kiện ký hợp đồng nhận hàng từ các công ty lớn, đảm bảo nguồn hàng ổn định, tăng thêm thu nhập cho chị em. Tuy nhiên, để Hợp tác xã phát triển lâu dài, chị Oanh mong muốn có thêm sự hỗ trợ vốn, để chị thuê được vị trí rộng rãi, sắp xếp máy móc, nhà xưởng cho gọn gàng, quy mô. Điều này vừa tạo được lòng tin với khách hàng, vừa để chị em có chỗ làm ổn định. Tôi thiết nghĩ, mong muốn này của chị không chỉ cho riêng mình mà còn cho bao hoàn cảnh, bao gia đình…

Khởi nghiệp không bao giờ dễ dàng, nhất là với phụ nữ nông thôn. Nỗ lực và quyết tâm làm giàu chính đáng, làm điều hữu ích cho xã hội, chị Oanh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc 3 năm thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vinh danh Gương phụ nữ khởi nghiệp thành công. Chị Tô Thùy Oanh xứng đáng là tấm gương sáng, tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *