Nữ thủ lĩnh 8x Kỳ 2: “Nhạc trưởng” của những câu lạc bộ thanh niên

Tiên phong trong phong trào

Cách đây vài tháng, Lục Thùy Dương tham gia hiến máu tình nguyện ở Trường Đại học Bình Dương phân hiệu Cà Mau. Đó là lần thứ 4, nữ Bí thư Huyện đoàn tham gia nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người. Không những thế, trong những năm qua, Huyện đoàn Đầm Dơi là một trong những điểm sáng trong công tác vận động hiến máu tình nguyện; riêng trong năm qua, Huyện đoàn đã vận động 3 lần hiến máu tình nguyện, với gần 1.089 người tham gia và có 763 đơn vị máu được hiến tặng. “Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện” là một trong những điểm nhấn trong hoạt động mà Huyện đoàn Đầm Dơi đã, đang và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Bằng nhiều cách triển khai, Thùy Dương xứng đáng là “nhạc trưởng” của các mô hình thanh niên trong huyện: Mô hình “Em nuôi cán bộ Đoàn”, “Câu lạc bộ Trí thức trẻ”, “Câu lạc bộ Kỹ năng huyện Đầm Dơi”.

Khởi động hoạt động năm 2019, hoạt động hiến máu tình nguyện đã phát triển vượt bậc: Cụ thể, Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cấp xã, tổ chức tại xã Tân Dân, đã có 510 đơn vị máu được hiến tặng; trong đó, đoàn viên, thanh niên hiến 375 đơn vị máu. Từ đó cho thấy, thanh niên huyện ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của công tác hiến máu tình nguyện và ngày càng có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Tính đến nay, Thùy Dương đã đảm nhiệm vai trò Bí thư Huyện đoàn được 6 năm. Chị chia sẻ: “Mình rất may mắn khi được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức hoạt động; bên cạnh đó là đội ngũ Bí thư Đoàn cơ sở nhiệt tình, năng động, trách nhiệm hỗ trợ”.

Thùy Dương cho biết: “Khó khăn nhất của công tác Đoàn là việc thu hút, tập hợp thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Thanh niên trên địa bàn huyện chưa được thụ hưởng các loại hình vui chơi giải trí, do huyện chưa có Nhà Thiếu nhi, trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên. Trong khi đó, các hoạt động của Đoàn lại thụ động, chưa hấp dẫn được thanh niên. Vì vậy, tỷ lệ đoàn viên tham gia các hoạt động Đoàn còn thấp. Để khắc phục được tình trạng này, ngoài việc đòi hỏi một Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo, cần phải có những yếu tố khách quan: Kinh phí, cơ sở vật chất, con người và sự vào cuộc của gia đình, xã hội…”.

Nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân cũng như sự đồng lòng của một tổ chức đoàn kết, nhiều mô hình của Huyện đoàn Đầm Dơi đã được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực. Trước hết, đối với hoạt động Đoàn cơ sở, để Đoàn cơ sở được thường xuyên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, giữa năm 2013, với vai trò Phó Bí thư Huyện đoàn, Thùy Dương đã đề xuất Ban Thường vụ Huyện đoàn chủ trì tổ chức họp báo xoay vòng tại các xã, thị trấn. Đến nay, qua 6 năm thực hiện, mô hình này đã được duy trì và hoạt động tốt, mỗi tháng tổ chức tại 1 xã.

Bên cạnh đó, việc giúp thanh niên phát triển kinh tế bằng các mô hình phù hợp luôn được Thùy Dương quan tâm; lần nào đi cơ sơ, nghe anh em nói về mô hình, nữ Bí thư Huyện đoàn cũng tham gia “ vẽ” tiếp bản thảo; nghe anh em cơ sở thiếu vốn thì bỏ tiền túi cho anh em làm. Về nhà cứ trăn trở mãi và gõ cửa Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trình bày ý tưởng và nhờ tiếp vốn từ các chương trình hỗ trợ để đoàn viên thực hiện được mô hình mà mình ấp ủ.

Anh Trương Văn Đệ, Bí thư Xã đoàn Tạ An Khương Đông, trần tình: “Mỗi khi anh em có ý tưởng, có mô hình hay, không biết thì thôi, chứ biết rồi Thùy Dương tìm hiểu, hỗ trợ, tiếp sức và truyền lửa để mô hình đó phát huy hiệu quả và từ đó nhân rộng ra trong thanh niên huyện”.

Nữ thủ lĩnh Đoàn – Lục Thùy Dương với 4 lần hiến máu tình nguyện; chị chia sẻ: “Ngoài thực hiện nghĩa cử đẹp, còn khích lệ tinh thần anh em cơ sở, tham gia hoạt động hiến máu khi Huyện đoàn phát động phong trào”.

Những mô hình để lại dấu ấn

Với mong muốn học sinh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn huyện có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học được tiếp tục cắp sách đến trường, năm 2015, Thùy Dương chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu Ban Thường vụ Huyện đoàn Đầm Dơi triển khai mô hình “Em nuôi cán bộ Đoàn”, nay là chương trình “Em nuôi của Đoàn” đến các Đoàn cơ sở trên địa bàn huyện. Gần 5 năm triển khai thực hiện, đến nay các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ giúp đỡ được 119 học sinh, với mức hỗ trợ tiền mặt 200.000 đồng/em/tháng và nhiều dụng cụ, đồ dùng học tập khác.

Huyện đoàn còn có “Câu lạc bộ (CLB) Trí thức trẻ” được thành lập năm 2016, gồm 38 thành viên là những trí thức trẻ theo đề án của Tỉnh ủy, mục đích của CLB là thực hiện tốt hoạt động xã hội, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện vươn lên trong cuộc sống. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã giúp đỡ cho 126 trường hợp, với số tiền 60 triệu đồng, nguồn kinh phí do thành viên CLB tự đóng góp. Ngoài ra, CLB vận động hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà cho hộ nghèo người dân tộc thuộc xã Thanh Tùng, với kinh phí xây dựng là 80 triệu đồng; hỗ trợ 1 chiếc xe lăn cho hộ tàn tật.

Với mục đích tạo nơi sinh hoạt và rèn kỹ năng cho các huấn luyện viên cấp tỉnh trên địa bàn huyện, đồng thời, thông qua đó giúp đoàn viên, thanh niên, thủ lĩnh Đoàn – Hội – Đội trên địa bàn được rèn  luyện và nắm được kỹ năng cơ bản, năm 2017, Thùy Dương đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện thành lập “CLB Kỹ năng huyện Đầm Dơi”, với 10 thành viên. Qua hơn 2 năm thành lập, CLB đã huấn luyện kỹ năng cho 274 cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện.

Với vai trò là đại biểu HĐND, thành viên Ban Pháp chế HĐND huyện, hàng quý, trước và sau các kỳ họp HĐND huyện, Lục Thùy Dương tham gia tiếp công dân và tiếp xúc cử tri. Phản ánh của người dân những khó khăn, bức xúc tại địa phương, tổ đại biểu đều ghi nhận và phản ánh cấp có thẩm quyền trả lời và xem xét giải quyết. Ngoài ra, là đại biểu HĐND trúng cử khu vực xã Nguyễn Huân, Thùy Dương đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ 1 cầu giao thông nông thôn tại ấp Hiệp Dư, giải quyết được nhu cầu bức xúc nhiều năm của người dân nơi đây. Cầu hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và nhân dân nơi đây đi lại dễ dàng.

Với cương vị và trách nhiệm của mình, Lục Thùy Dương luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn, hoạt động Đoàn, để đề ra được cách thức làm việc thật hiệu quả. Đối với hoạt động đoàn, không lựa chọn các việc làm tràn lan mà lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ hoạt động nào là thường xuyên, phải duy trì thường xuyên và hoạt động nào trọng tâm phải thực hiện từng năm một. Nếu năm 2015, 2016, 2017, Huyện đoàn lựa chọn mô hình “Em nuôi của Đoàn” là hoạt động trọng tâm thì năm 2018 lại tiếp tục duy trì nhưng chọn thêm mô hình “Gắn bảng tuyên truyền an toàn giao thông” và sửa chữa một số tuyến lộ giao thông nông thôn đã sụt lún. Năm 2019, Huyện đoàn chọn điểm nhấn là xây dựng hoàn thành các điểm sinh hoạt vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi trên địa bàn 16 xã, thị trấn.

Khi hỏi về trăn trở của nữ thủ lĩnh đoàn, Thùy Dương cho biết: “Bản thân tôi nhận thấy, muốn gắn bó và trưởng thành từ Đoàn thì phải tâm huyết, nhiệt tình tuyệt đối, không vì mục đích cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều thanh niên chưa hiểu hết về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia công tác Đoàn nên chưa tha thiết với Đoàn. Điều trăn trở nhất của tôi hiện nay là vẫn chưa phát hiện được nhiều nhân tố mới để bồi dưỡng làm đội ngũ kế cận của Đoàn. Đồng thời một số cấp ủy, nhất là ở cơ sở chưa hiểu và chưa thấy hết vai trò của Đoàn nên chưa tạo điều kiện tối đa để tổ chức hoạt động, cũng như chưa có quy chế khen thưởng kịp thời những cá nhân tích cực. Điều này cũng làm cho thanh niên chưa nhiệt tình khi tham gia hoạt động Đoàn”.

Thời gian hoạt động rồi lãnh đạo công tác Đoàn và phong trào thanh niên huyện chưa nhiều, nhưng những gì nữ Bí thư Huyện đoàn Lục Thùy Dương đóng góp là rất đáng trân trọng. Từ những mô hình đó, sức lan tỏa trong đoàn viên thanh niên ngày càng mạnh mẽ; từ chỗ có niềm tin vào người thủ lĩnh, phong trào Đoàn ở cơ sở ngày càng có bước tiến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *