Nuôi tôm siêu thâm canh: Quyết không để lặp lại bài học đắt giá

Đối với những hộ mới cải tạo, chủ trương của tỉnh là phải hoàn thiện điều kiện, được cơ quan chức năng kiểm tra, cơ quan chuyên môn đánh giá đạt chất lượng mới cho thả nuôi.

Với hình thức mới là nuôi tôm siêu thâm canh (STC), từ xuất hiện những hộ nuôi thử nghiệm vào năm 2016 với sự thận trọng, bởi vốn đầu tư ban đầu khá lớn, rất ít người đủ khả năng, tuy nhiên khi hiệu quả đã cho thấy về sự đảm bảo của nghề nuôi, sản lượng tăng rất cao, thì nhiều hộ đang nuôi tôm công nghiệp đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm STC; các hộ nuôi mới thì tự tin cải tạo ao nuôi; các doanh nghiệp cũng nhanh nhạy “nhảy vào” đầu tư hình thành những vùng nuôi tập trung… dẫn đến tình trạng nuôi tôm theo hình thức STC đang phát triển khá nóng tại các địa phương, trong đó tập trung nhiều nhất tại các huyện: Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời, TP. Cà Mau.

Qua kiểm tra thực tế, vẫn còn nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh chưa hoàn thiện về các điều kiện nuôi.

Là địa phương đi đầu trong nuôi tôm theo các hình thức, về áp dụng hình thức nuôi mới với quy trình kỹ thuật và năng suất cao hơn, không lạ gì khi huyện Đầm Dơi tiếp tục là vùng trọng điểm nuôi tôm theo hình thức STC hiện nay. Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện: “Tốc độ phát triển nuôi tôm STC tại địa phương giờ đây không chỉ là quá nhanh, mà thực sự phải gọi là “bùng nổ”. Nếu năm 2016 chỉ vài chục hecta, thì đến tháng 8 năm nay đã vượt nhanh, đạt mức trên 200ha với 253 hộ nuôi. Càng “nóng” hơn, chỉ trong tháng 9, trên địa bàn đã có 52 hộ phát triển 60ha, đưa diện tích nuôi tôm STC toàn huyện hiện nay lên gần 300ha”. Theo chỉ đạo của tỉnh, huyện cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá việc thực hiện theo quy trình nuôi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tại từng hộ nuôi, tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Thuần nhìn nhận, bước đầu còn nhiều lúng túng và xử lý thiếu kiên quyết.

Tại Hội nghị chuyên đề về Phát triển nuôi tôm thâm canh và STC do UBND tỉnh tổ chức trong tuần qua, ông Nguyễn Chí Thuần nhận thiếu sót trước Chủ tịch UBND tỉnh khi vẫn còn để tình trạng nhiều hộ nuôi tôm STC trên địa bàn thực hiện chưa đúng quy trình, có tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là khá cao. Đồng thời cho biết, huyện đang tập trung toàn lực trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi và xử lý đối với những hộ đang nuôi nhưng chưa hoàn thiện theo đúng quy trình, đặc biệt là đối với những hộ phát sinh mới, trên tinh thần là phải thực hiện đúng hướng dẫn mới cho nuôi.

Vấn đề cốt lõi trong quản lý nuôi tôm siêu thâm canh là phải có điểm xử lý chất thải nguy hại, không được xả ra môi trường.

Hội nghị trên được tổ chức ngay sau chuyến kiểm tra ngẫu nhiên, trực tiếp tại hộ nuôi tôm STC trên địa bàn các huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời, của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trước đó. Với mục tiêu tạo sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo, điều hành, đưa hình thức nuôi tôm STC đạt hiệu quả trước mắt, bền vững trong tương lai, tại Hội nghị lần này, UBND tỉnh lấy ý kiến ban hành tạm thời quy định điều kiện nuôi tôm thâm canh, STC trên địa bàn. Hướng mở của quy định lần này là về vị trí làm ao nuôi, được phép thực hiện tại địa điểm có “giao thông thuận lợi, có nguồn điện ổn định, chủ động nguồn nước; có định hướng đầu tư về giao thông, thủy lợi và hệ thống điện”. Tuy nhiên, đối với những hộ nuôi không đúng quy hoạch, thực hiện không theo quy trình hướng dẫn, để xả thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng; đối với tổ chức, sẽ xử phạt gấp đôi.

Chỉ đạo kiên quyết tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: “Tôi đề nghị khắc phục ngay những diện tích nuôi chưa đảm bảo các điều kiện, ai chậm hoặc không khắc phục thì cắt điện, phải dứt khoát như thế. Vấn đề cốt lõi là phải có điểm xử lý chất thải nguy hại, không được xả thải ra môi trường; hệ thống điện phải đảm bảo an toàn theo quy định”.

Người đứng đầu chính quyền của tỉnh chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, nhất là những thiếu sót của chính quyền với nghề nuôi tôm theo hình thức thâm canh trước đây; trong đó, nhấn mạnh đến những “cái thiếu”: Quy hoạch, kiểm tra, hướng dẫn, đặc biệt là gắn kết trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước, chính quyền các địa phương, ngân hàng, ngành Điện, doanh nghiệp; từ đó đã dẫn đến nhiều hộ nuôi tôm bị thiệt hại khá lớn, kéo theo hệ lụy nhiều nơi môi trường bị ô nhiễm.

“Kiên quyết không để thiếu sót này lặp lại đối với hình thức nuôi STC!”, Chủ tịch UBND tỉnh tỏ rõ quyết tâm, đồng thời đề nghị chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cùng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhận thức rằng làm tốt vấn đề này không chỉ đạt được lợi ích cho riêng người nuôi tôm mà của các bên cùng tham gia. Trên cơ sở quy hoạch, cần thực hiện và hoàn thiện quy hoạch một cách phù hợp với nhu cầu thực tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người nuôi tôm thông qua các hình thức, làm thay đổi nhận thức, am hiểu về kỹ thuật nuôi tôm, thông tin thị trường…

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến thời điểm ngày 10/10/2017, toàn tỉnh Cà Mau có trên 857ha nuôi tôm theo hình thức STC với 670 hộ nuôi, trong đó có hơn 176ha ao nuôi. Hiệu quả của hình thức nuôi tôm STC khá ổn định, đạt trên 85%, năng suất đạt từ 40 – 50 tấn/ha/vụ.

Ngành Công thương cho biết, qua thông tin từ 13 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh, nhu cầu chế biến theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu cần trên 56.000 tấn tôm nguyên liệu.

Từ thực tế trên cho thấy, nhu cầu nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy hiện nay vẫn còn rất lớn, bởi trong 9 tháng qua, Cà Mau đã phải nhập trên 36.000 tấn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *