Ổn định cây trồng trên đất mía

Bí thư Huyện ủy Thới Bình – Huỳnh Út Mười (thứ 2 từ trái sang) khảo sát thực tế mô hình chuyển đổi đất mía sang nuôi tôm, trồng lúa tại xã Biển Bạch Đông.

Những mô hình chuyển đổi hiệu quả

Đầu mùa mưa năm nay, được ngành chức năng huyện cho đi tham quan mô hình trồng chanh không hạt tại tỉnh Long An và được chuyển giao kỹ thuật, ông Hà Minh Trí (Ấp 9, xã Trí Lực) chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt với hơn 300 gốc, hiện cây sinh trưởng tốt. Còn ông Phạm Văn Triệu (Ấp 6, xã Trí Phải) thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi hơn 1ha, cuối vụ năm 2018 thu hoạch hơn 550kg tôm càng xanh, hơn 200 giạ lúa, tôm sú nước mặn và cua xen canh… Bình quân thu nhập trong năm hơn 100 triệu đồng.

Ông Lê Văn Chinh (Ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông) lại phát triển sản xuất theo hướng đa dạng cây, con. Năm 2016, sau khi thuê nhân công thu hoạch hết diện tích mía, ông quy hoạch 2ha nuôi tôm, trồng lúa, xen canh tôm càng xanh; 1ha còn lại được trồng cải, dưa leo, khổ qua theo mùa vụ để nhanh có nguồn thu. Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay, bình quân thu nhập mỗi năm của gia đình hơn 200 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Xinh (Ấp 6 La Cua) thì được người dân trong và ngoài ấp ngưỡng mộ về ý chí, nghị lực vươn lên. Dù đã ở tuổi 61, nhưng khi cây mía không còn hiệu quả, ông Xinh vẫn chủ động “đổi mới”, khoanh riêng diện tích nuôi tôm hơn 2ha, đào 9 ao cá nước ngọt và trồng màu trên bờ liếp. Với thức ăn cho vật nuôi tận dụng nguồn cá phi trên vuông tôm, trồng màu không sử dụng thuốc trừ sâu…, chính vì thế sản phẩm rau màu, lúa hàng hóa, tôm sú, tôm càng xanh của gia đình ông bán được người dân trong vùng, các điểm chợ chọn mua và thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao. Thu nhập của gia đình cũng dần ổn định và từ năm 2015 đến nay đạt trên 450 triệu đồng/năm.

Hay mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn của ông Lê Thành Công (Ấp 4, xã Tân Lộc Đông), với 3ha đất nuôi tôm sú và sử dụng vi sinh EM định kỳ, sau 3 tháng thả nuôi đạt lãi gần 80 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: “Đồng đất Thới Bình bây giờ đã phát triển đa cây, đa con chứ không còn “độc canh” cây mía, cây lúa như trước. Hiệu quả bước đầu của những mô hình chuyển đổi này đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân”.

Anh Nguyễn Văn Đáng (Ấp 4, xã Thới Bình) chuyển đổi 1ha đất trồng mía sang trồng màu.

Giải pháp phát triển bền vững

Tháng 4/2019, UBND huyện tổ chức hội nghị chuyên đề “Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả năm 2019”, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích mía kém hiệu quả.

Trên cơ sở tình hình thực tế và ý kiến trao đổi của các cấp, các ngành tỉnh huyện, Đảng bộ và nhân dân Thới Bình đã thống nhất định hướng tiếp tục phát triển mô hình lúa – tôm càng xanh, tôm sú, trồng màu…, nhưng cần tuân thủ yêu cầu kỹ thuật, quy hoạch diện tích phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, tuyệt đối không phát triển ồ ạt một đối tượng cây trồng mà cần đa dạng hóa cây trồng vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, huyện làm đầu mối giới thiệu các hợp tác xã ký hợp đồng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với một số công ty: Công ty Cỏ Mai, Công ty Tấn Dương, Công ty gạo Ông Thọ, Công ty Đại Dương Xanh. Bên cạnh đó, còn phối hợp tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng các phương án, sản xuất kinh doanh hiệu quả để vay vốn từ các tổ chức tín dụng giúp hợp tác xã trang bị thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất tốt hơn.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: “Hiện nay, huyện có chủ trương không khuyến khích người dân duy trì cây mía, mà chủ động chuyển đổi sang các đối tượng cây trồng khác, phù hợp với điều kiện của địa phương. Bà con có thể tham khảo một số mô hình phù hợp với gia đình, cho thu nhập cao, nhất là các mô hình đã thực hiện thành công trên địa bàn huyện trong thời gian qua: Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trên đất trồng lúa, nuôi cua, nuôi sú và trồng màu… để có hướng chuyển đổi phù hợp. Chủ trương và cách chuyển đổi cây trồng trên đồng đất Thới Bình đã có, vấn đề đặt ra là làm sao để chuyển đổi, phát triển bền vững, tránh tình trạng bà con sản xuất tràn lan, ồ ạt, thu hoạch đồng loạt, giá nông sản thấp, nông dân đạt lãi không cao”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *