Ông Hai Hoành khéo tính, giỏi làm!

Đoạn đường nông thôn dài hơn 2.000m, hơn 50 hộ dân trên tuyến nhiều năm nay chịu vất vả vào mùa mưa, nhà có xe máy phải xăn quần lội bộ, em cháu đến trường lấm lem… Ông Hai nghĩ bụng nên thăm dò ý kiến bà con, thế là ông đến từng nhà theo kiểu “tiện dịp ghé chơi”, hỏi thăm chuyện làm ăn, con cái, rồi gợi ý việc góp công, góp sức làm đường. Từ sự gần gũi, chân thành, “ý tưởng” của ông Hai đã nhận được sự đồng tình cao, bà con tự nguyện đóng góp trên 200 triệu đồng và ngày công lao động, để con lộ được thi công trong niềm tin và sự phấn khởi.

Ông Hai Hoành là người đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ trong huyện, đến nay đã chuyển giao hơn 20 ngàn cây giống đến các địa phương.

TRỌN NGHĨA VẸN TÌNH…

Ông Tống Văn Hoành sinh năm 1950, ở ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Quê hương bị giặc tàn phá, như bao lớp thanh niên thời ấy, căm thù và nung nấu ý chí giết giặc, Hai Hoành vào đội du kích xã, rồi làm công tác giao liên, công tác thông tin, làm thầy giáo trường làng, sau đó được phân công phụ trách kinh tài ấp cho đến ngày thống nhất đất nước. Ít, nhiều có đóng góp cho cách mạng, nhưng khi hỏi về chế độ người có công, ông Hai Hoành tỏ ra ái ngại: “So với những đồng đội khác, tôi còn kém xa lắm, nhiều anh em hy sinh còn không rõ tên tuổi, tôi như vầy đã may lắm rồi…

Nhà nghèo, Hai Hoành là trai trưởng nên phải giỏi giang, vất vả lắm mới có thể phụ giúp cha mẹ gánh vác lo cho 10 đứa em trai, gái. Giỏi làm đã đành, Hai Hoành còn nghiêm khắc bảo ban, dạy dỗ các em điều hay lẽ phải, nền nếp gia đình, phấn đấu học hành để trở thành người có ích. Hai Hoành không khỏi tự hào khi các em của ông có đến 5 người là đảng viên, đang ra sức cống hiến trên nhiều lĩnh vực công tác; những người em còn lại cũng chẳng thua kém với cơ ngơi khấm khá, con cái thành danh.

Nói về anh mình, bà Tống Ánh Nguyệt, Trưởng phòng Kế toán, Kho bạc Nhà nước tỉnh, bộc bạch: “Anh Hai khó tính và nghiêm khắc lắm, lại siêng năng, gương mẫu trong mọi chuyện nên chúng tôi đứa nào cũng răm rắp nghe lời. Nhờ sự giáo dục và lo toan của anh ấy mà tụi tôi có được công việc và cuộc sống ổn định như hôm nay”. Chính sự nghiêm khắc, gương mẫu, chuyện gì cũng phải làm tới nơi tới chốn, mà Hai Hoành đã hoàn thành nguyện vọng của cha mẹ; vươn lên làm giàu từ gian khó; tiên phong lo cái chữ cho con và tiếp tục cống hiến không mệt mỏi cho quê hương…

KHÉO CO THÌ ẤM

Nhìn cơ ngơi hiện có và những đứa con thành đạt của ông Hai Hoành, ít ai nghĩ rằng gia đình ông đi lên từ con số 0. Nhà ít đất mà anh em đông, ngày vợ chồng Hai Hoành ra riêng không đành nhận thứ gì giá trị, ngoài vài bộ quần áo còn bết phèn. Được người cô ruột cho mượn chỗ dựng chòi và ít đất sản xuất, vợ chồng Hai Hoành ruộng sớm đồng khuya, quanh năm chăn nuôi, trồng trọt, không dám ăn xài, mua sắm. Thương hai vợ chồng hiền lành, chịu khó, người cô nhượng lại phần đất 2ha, trả dần theo mùa lúa. Gia đình Hai Hoành có điều kiện ổn định cuộc sống, với 1ha đất được cải tạo trồng 2 vụ lúa, trên bờ liếp trồng chuối, dừa, mặt nước ao nuôi cá đồng, thêm chăn nuôi heo, gà, vịt…

Rồi bốn đứa con lần lượt lớn lên, chồng chất gánh nặng lên vai người làm cha, mẹ. Vợ chồng Hai Hoành càng đầu tắt mặt tối với ruộng vườn và thắt chặt hơn chi tiêu, tích cóp lo tiền học phí, sách vở. Nhắc chuyện xưa, vợ ông, bà Nguyễn Thị Tiến vẫn chưa quên những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn, bao nhiêu tiền đều để dành cho con: “Mùa nào lúa thất, tôi chạy vạy khắp nơi vay mượn, vậy mà khi bàn cho con nghỉ học, ổng kiên quyết là không, ổng nói dù có bán hết đất cũng phải cho tụi nó học thành tài. Tội nghiệp tụi nhỏ, thấy nhà nghèo, nên chúng tiện tặn, lại còn học rất giỏi. Lây lất, rồi đứa lớn ra trường đỡ đần trách nhiệm lo cho em, cứ thế mà chúng lần lượt tốt nghiệp đại học, giờ có việc làm ổn định”.

Ông Hồ Văn Mười, người “bạn già” hơn 30 năm qua của Hai Hoành, bộc bạch: “Xứ này nhắc đến gia đình anh Hai, ai cũng phải nể phục, bởi anh khéo léo tính toán trong cách nghĩ, cách làm, là tấm gương lo cho con ăn học thành tài. Thằng lớn làm giáo viên ở TP. Cà Mau, thằng kế công tác tại Công an huyện, thằng thứ 4 làm ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, còn gái út làm ở Công an tỉnh Hậu Giang”. Ông Mười tiếp tục huyên thuyên: Ba đứa con trai của anh Hai đều có vợ làm cùng ngành, tính ra gia đình anh Hai giờ có đến 6 đảng viên, còn con dâu út đang phấn đấu vào Đảng. Chị Tiến làm nhiệm vụ “hậu cần”.

Gần gũi, chân thành sẻ chia kinh nghiệm sản xuất, ông Hai Hoành luôn được bà con yêu mến, kính trọng.

CÁN BỘ PHẢI SIÊNG… “LỘI”

Sau giải phóng, Hai Hoành được phân công làm Trưởng ban Tài chính ấp, Trưởng Công an ấp, Bí thư Chi bộ ấp và sau đó được điều động về xã. 10 năm đảm nhận chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, 15 năm tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã Khánh Hưng, ở bất cứ vị trí nào ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh Hồ Thiên Chúa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: “Nhắc đến chú Hai, cán bộ và người dân nơi đây nghĩ ngay đến một người nhiệt tình và nghiêm khắc, làm chuyện gì cũng phải đến nơi đến chốn và giữ chữ tín”. Có lẽ vì đức tính ấy mà suốt 8 năm qua, ông Hai Hoành luôn đảm nhận tốt vai trò Bí thư Chi bộ ấp, là “đầu tàu” gương mẫu xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, đời sống bà con được nâng lên đáng kể.

Chi bộ ấp Công Nghiệp B có 9 đảng viên, nhiều năm liền đạt Trong sạch vững mạnh, có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cá nhân ông Tống Văn Hoành được tuyên dương Bí thư Chi bộ tiêu biểu cấp tỉnh giai đoạn 2012 – 2014. Nghiêm khắc trong công việc, bảo ban đồng chí, anh em như người chú, người anh có nhiều kinh nghiệm, song khi có vấn đề gì cần bàn bạc trong dân, Hai Hoành lại trở về với tính cách người nông dân mộc mạc, nghĩa tình.

Bà con tin yêu, mến phục Hai Hoành bởi sự gương mẫu, giải quyết chuyện làng, chuyện xóm hợp tình, hợp lý. Rõ nhất là việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng trụ sở ấp, trên 30 triệu đồng; tham gia cùng Nhà nước xây dựng tuyến lộ chính, trên 130 triệu đồng. Và gần đây nhất là tuyến đường 2.000m, trị giá trên 200 triệu đồng vừa hoàn thành. Ông Trần Chí Công cho biết: “Anh Hai đến từng nhà phân tích cho bà con thấy ích lợi khi có lộ, người dân chúng tôi hiểu được trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, vì thế sẵn sàng góp công, góp vốn làm đường, khi nguồn kinh phí nhà nước còn hạn hẹp…”.

Nhâm nhi ly trà, ông Hai cười hiền: “Công tác ở ấp đòi hỏi người cán bộ phải siêng “lội”. Bởi có đi đến nơi, nhìn tận mắt thì mới nắm được tình hình và uyển chuyển phù hợp với từng nhà, từng người”. Cách nói mộc mạc ấy toát lên hình ảnh người cán bộ hơn nửa đời người tận tụy với nhân dân, với quê hương. Ở tuổi 65, cái tuổi sắp được nghỉ ngơi, vậy mà ông Hai vẫn luôn trăn trở về chỉ tiêu kết nạp Đảng trong thanh niên nông thôn và nguồn cán bộ trẻ kế thừa ở ấp.

Trước đó, suốt thời gian từ năm 2000 – 2007, được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã, ông Hai Hoành có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Ông tận tâm tìm hiểu nguyên nhân học sinh nghỉ học giữa chừng, bàn bạc với chính quyền, các đoàn thể cùng Ban Giám hiệu các trường tạo điều kiện hỗ trợ, động viên nhiều gia đình khó khăn cho các em tiếp tục đến trường. Cùng với đó, ông vận động nhân dân, các nhà hảo tâm đóng góp quỹ khuyến học. Mỗi lần tổng kết năm học, ông đều vui mừng khi có hàng chục học sinh nghèo vượt khó học giỏi được khen thưởng, hỗ trợ, để các em có thêm niềm tin, động lực viết tiếp ước mơ đèn sách.

TÌM HƯỚNG GIÚP DÂN

Lo cho các con ổn định công việc, cuộc sống, ông Hai Hoành lại đau đáu tìm hướng giúp dân nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất quê mình. Năm 2010, khi hay tin Hội Nông dân tỉnh có dự án hỗ trợ nông dân trồng thanh long ruột đỏ, qua tìm hiểu, ông đề xuất để ấp Công Nghiệp B được thực hiện. Đây là giống thanh long mới được đưa vào trồng trên đất Cà Mau, vì thế, ông Hai vận động bà con đến tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân… và mạnh dạn thử nghiệm.

Hai Hoành quyết định “xuất tỉnh” đi tham quan, học hỏi mô hình trồng và nhân giống thanh long ruột đỏ ở Tiền Giang. Sau khi thông thạo quy trình kỹ thuật, ông Hai bắt tay trồng thanh long, nhiều hộ cũng đồng loạt làm theo, bởi họ tin ở ông, tin ở sự khéo tính và quyết đoán. Sau một năm, thanh long bắt đầu cho trái, thu hoạch mỗi vụ từ 30 – 50 triệu đồng/hộ. Thấy hiệu quả, Hai Hoành tiếp tục nghiên cứu thành công kỹ thuật nhân giống, đến nay đã chuyển giao trong vùng và nhiều địa phương lân cận trên 20.000 cây giống.

Những ai đã từng đi qua địa bàn ấp Công Nghiệp B đều đồng tình theo cách gọi “ấp thanh long”. Bởi từ cách làm hiệu quả của Hai Hoành được Hội Nông dân tỉnh chọn là mô hình giảm nghèo bền vững, cần được nhân rộng. Hiện tại, ấp có khoảng 30 hộ cùng thực hiện, bình quân mỗi nhà có trên 100 gốc, hơn ai hết ông Hai Hoành vui mừng khôn tả. Tính toán trên 150 gốc thanh long của nhà mình, ông Hai cho biết: “Thanh long cho trái từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, sau đó chỉ dọn cỏ, bón phân, tỉa cành rồi đợi mùa sau thu hoạch tiếp. Những năm 2012 – 2013, cây này đã giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Thời gian gần đây dù giá thanh long sụt giảm, bà con vẫn quyết tâm duy trì, bởi mỗi năm cũng thu trên 20 triệu đồng, mà ít tốn công chăm sóc”.

Tài sản lớn nhất của Hai Hoành không thể quy đổi thành vật chất, bởi giá trị của tất cả thứ mà ông đang có đều được đổi bằng cả một cuộc đời cơ cực. Hiện tại, gia đình ông vẫn duy trì mô hình kinh tế: Canh tác lúa, nuôi cá, làm vườn và trồng thanh long… cho thu nhập ổn định. Cùng với sự tận tình chia sẻ, giúp đỡ bà con xung quanh, ông Hai xứng đáng là nông dân sản xuất giỏi các cấp nhiều năm liền. Thế mà khi hỏi về thành tích bản thân, ông Hai Hoành thao thao về những số liệu: “Đầu năm 2011, ấp còn 27/249 hộ nghèo, hiện còn 7 hộ nghèo, từ nay đến cuối năm, Chi bộ, chính quyền dồn sức xóa thêm 2 hộ nghèo, như vậy tỷ lệ hộ nghèo trong ấp chỉ còn 2%, thấp nhất so với 15 ấp trong xã Khánh Hưng”. Ông Hai Hoành không giấu vui mừng khi hàng năm gia đình văn hóa đạt từ 70% trở lên, bà con ý thức tạo cảnh quan xanh – sạch, trách nhiệm giữ gìn trật tự xóm, ấp…

Chỉ tay về cây cầu chữ Y, nơi xưa kia đồn địch đóng chiếm, bình định xóm làng, ông Hai Hoành cười mãn nguyện, khi ngày nay nhịp sống nông thôn hối hả, nhà nhà phấn khởi chuẩn bị gieo sạ mùa vụ mới, trẻ nhỏ tung tăng vui bước đến trường, xây nền tảng tương lai tươi sáng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *