Ông Nguyễn Công Trực đảng viên cao niên tiêu biểu

Ông Nguyễn Công Trực vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Ông Nguyễn Công Trực (Tư Trực) sinh năm 1941, xuất thân trong gia đình cách mạng và sớm tiếp nối, phát huy truyền thống gia đình. Từ tháng 4/1966 đến năm 1996, ông được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau: Là cán bộ thông tin ở ấp Tam Hiệp – xã Tân Ân (cũ), Trưởng ban Nhân dân ấp, Trưởng Công an ấp, cán bộ Văn phòng UBND xã Tân Ân, Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Chi ủy xã Tân Ân (cũ). Ở bất kỳ nhiệm vụ nào, ông luôn quyết tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đến năm 1997, ông nghỉ chính sách.

Về đời thường nhưng ông Tư Trực vẫn tiếp tục cống hiến cho quê nhà. Ông thường xuyên tháp tùng cùng với cán bộ xã đi vận động nhân dân chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, đóng góp các nguồn quỹ, tham gia các phong trào hành động cách mạng tại địa phương… Gặp gỡ bà con, ông chỉ ra cụ thể mặt lợi để người dân nhận thấy được, cùng đồng thuận hưởng ứng. Cái gì có ích, có lợi cho dân, ông quyết tâm làm cho bằng được.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Tân Ân, nhận xét: “Ở xã, có việc nào gặp khó thì nhờ đến ông Nguyễn Công Trực, bởi ông rất có uy tín trong nhân dân và được nhân dân tín nhiệm cao. Như trong làm lộ giao thông nông thôn, ông Trực đã đến tận nhà các hộ dân tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, góp sức cùng chính quyền. Nhờ vậy, xã đã có được con lộ thẳng tắp đi về huyện, xe bốn bánh lưu thông thuận tiện. Có lộ, đời sống bà con nâng lên, xã Tân Ân từng bước chuyển mình”.

Ông Nguyễn Công Trực kể chuyện về di tích gốc me Tân Ân – nơi Anh hùng Phan Ngọc Hiển tập hợp thanh niên yêu nước, phát triển phong trào cách mạng và là nơi họp Chi bộ đầu tiên chuẩn bị tiến hành Khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940.

Với thế hệ trẻ, ông Nguyễn Công Trực là nhân chứng sống kể chuyện về người chiến sĩ cách mạng anh hùng – thầy giáo Phan Ngọc Hiển, người lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940; Di tích Gốc me truyền thống Tân Ân, nơi thầy giáo Hiển đã tập hợp thanh niên mở ra con đường cách mạng, dẫn dắt cho thế hệ trẻ yêu nước, đấu tranh giành tự do cho nhân dân. Bạn Lý Thị Loan, đoàn viên Xã đoàn Tân Ân, chia sẻ: “Hằng năm, vào ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và quân, dân tỉnh (13/12), Xã đoàn luôn mời bác Trực về địa điểm Di tích Gốc me truyền thống Tân Ân để kể lại những câu chuyện liên quan đến Anh hùng Phan Ngọc Hiển. Bác kể rất lôi cuốn và thu hút người nghe. Bác Tư Trực luôn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ huyện nhà noi theo về truyền thống cách mạng, cũng như đạo đức và nhân cách sống”.

Với các gia đình cách mạng trên địa bàn, ông Nguyễn Công Trực còn thường xuyên vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tặng quà, xây cất nhà ở, để các gia đình chính sách có được cuộc sống ổn định. Riêng đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ông quyên góp tặng tập, sách giáo khoa, để các gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn có con đi học giảm bớt được một phần chi phí vào đầu năm học mới.

Ông Nguyễn Công Trực là cán bộ hưu trí tiêu biểu. Ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng III và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *