Ong Ý xâm hại tới môi trường sống bản địa ở rừng tràm U Minh Hạ?

Thu hoạch mật ong Ý của Công ty TNHH Công nghệ Ubee.

ĐÀN ONG LẠ LÀ ONG Ý

Sau nhiều văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc xử lý hoạt động vận chuyển ong nuôi và mật ong từ tỉnh khác về huyện U Minh để nuôi và bán với thương hiệu mật ong U Minh Hạ, ngày 11/4, sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau có cuộc họp với các sở, ngành có liên quan để bàn bạc hướng giải quyết nhằm tham mưu cho UBND tỉnh hướng xử lý việc đàn ong lạ hiện đang được một doanh nghiệp gây nuôi tại vùng rừng U Minh Hạ. Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau chủ trì đã truy xuất nguồn gốc đàn ong tại Ấp 14, xã Khánh An, U Minh; Đại học Cần Thơ đã giúp xác định hình dạng đàn ong này là ong Ý.

Tại buổi kiểm tra, ông Huỳnh Công Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Ubee (Công ty Ubee) trình Biên bản ghi nhớ giữa ông với Hội Nuôi ong mật Tiền Giang, do ông Nguyễn Thanh Đáo – Phó Chủ tịch Hội làm đại diện. Hội Nuôi ong mật Tiền Giang hỗ trợ và giúp đỡ Công ty Ubee nuôi thí điểm và phát triển ngành nuôi ong mật tại tỉnh Cà Mau. Hội Nuôi ong mật Tiền Giang hỗ trợ đàn giống Apis mellifera (ong Ý, ong ngoại) là giống ong theo Thông tư 25, ngày 1/7/2015 và có hiệu lực kể từ ngày 14/8/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Công ty Ubee đã mua 270 thùng (270 đàn) đặt tại Trại thực nghiệm Trung tâm Thông tin – Ứng dụng khoa học công nghệ Khánh An (50 thùng) và 2 hộ dân thuộc địa bàn Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh (220 thùng). Điểm đặt nuôi thực nghiệm tại Trại Thực nghiệm Khánh An có văn bản thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Thông tin – Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau.

Sản phẩm mật ong Ý.

Liên quan đến một số thông tin nghi vấn loại ong Ý đang được nuôi nhiều nơi ở Việt Nam và đang nuôi thử nghiệm tại Cà Mau để lấy mật có thể là loài sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại; ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, khẳng định: “Giống ong Ý đã được du nhập vào Việt Nam hàng trăm năm nay, trở thành giống ong cho mật xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với hơn 1 triệu đàn, được nuôi tại một số tỉnh trong nước. Không thể nói đây là loài ong ngoại lai xâm hại, vì không có cơ sở”. Đồng quan điểm với ông Tâm, ThS. Nguyễn Thị Nhung, nguyên giảng viên Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ, người có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi ong, cho biết: “Từ xưa, thời Pháp thuộc, người Pháp và sau đó là người Hồng Kông (Trung Quốc) đã du nhập giống ong này vào Việt Nam. Hiện Việt Nam có nhiều giống ong khác nhau, có người nuôi ong nội, có người nuôi ong Ý. Song, việc nói ong Ý là sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại là chưa chính xác. Và đến nay, không có tài liệu nào chứng tỏ loài ong Ý xâm hại tới môi trường sống bản địa hay thảm thực vật”. Bà Nhung ủng hộ việc nuôi ong Ý tại khu vực rừng tràm U Minh Hạ, vì sản lượng mật ong vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ không khai thác được hàng năm đang lãng phí với con số tương đối lớn, nếu được khai thác đúng mức thì mật ong rừng tràm U Minh Hạ hoàn toàn có thể là sản phẩm chủ lực của Cà Mau, góp phần tăng thu nhập của người dân vùng rừng, đặc biệt là nguy cơ cháy rừng từ việc ăn ong trái phép của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề là làm sao chính quyền địa phương đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp.

TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Theo ông Dương Ngọc Lợi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Công nghệ Ubee, thành viên của nhóm khởi nghiệp nuôi ong mật ở Cà Mau, cho biết: “Nuôi ong ở vùng đệm, phát triển chuỗi sản phẩm du lịch sinh thái U Minh Hạ dựa vào cộng đồng là phương thức bảo vệ vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, giảm nguy cơ cháy rừng và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng người dân”. Còn ông Huỳnh Công Tấn cho biết, nhóm bạn bè thành lập Công ty Ubee đều là người con Cà Mau, học cách chăn nuôi, thu hoạch, chế biến, bảo quản và sử dụng mật ong để nâng cao chất lượng chuỗi sản phẩm mật ong vùng đất U Minh Hạ. Nhưng mật ong tự nhiên sau khi thu hoạch có độ ẩm từ 23% trở lên, tùy theo mùa vụ. Độ ẩm này không thể bảo quản mật được lâu vì các chủng loại vi sinh vật vẫn còn môi trường để lên men và phát triển.

“Công ty Ubee vận hành quy trình hạ thủy phần và đã nghiên cứu chế tạo thành công máy này với khả năng hạ độ ẩm xuống dưới 18% với chi phí 3.500 – 4.000 đồng/lít mật nhưng vẫn giữ được tính chất và hương vị tự nhiên của mật ong. Công ty Ubee đã lên kế hoạch tiến hành thu gom mật trong rừng U Minh Hạ, tách nước để phát triển thương hiệu. Việc mật ong từ nơi khác đến và bán tại huyện U Minh làm ý tưởng nâng chất lượng mật ong U Minh Hạ bị vạ lây”, ông Huỳnh Công Tấn nói.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vụ việc đưa ong Ý về gây nuôi tại địa phương, ông Dương Ngọc Lợi cho biết: Việc gây nuôi ong tại địa phương không chỉ nhằm lợi ích của riêng đơn vị, mà còn giúp phát triển kinh tế cho người dân. Theo đó, Công ty Ubee sẽ chuyển giao công nghệ, liên kết với người dân để tiến hành nuôi với quy mô lớn, nhằm mục đích phục vụ định hướng xuất khẩu mật ong trong thời gian tới.

Ông Lợi khẳng định: “Cho đến thời điểm này, tất cả những gì chúng tôi lược khảo được, thì chưa có tài liệu chứng minh con ong Ý gây hại, hoặc tác động ảnh hưởng đến đa dạng sinh học”.

“Mặc dù rất tâm huyết với việc nuôi thử nghiệm ong Ý tại vùng rừng U Minh Hạ, nhưng mọi việc sẽ kết thúc tại đây. Chúng tôi sẽ tiến hành di dời đàn ong được đặt nuôi trong 2 hộ dân tại Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, ra khỏi vùng đệm trong thời gian sớm nhất. Đồng thời trông chờ các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau có quyết định cuối cùng về “số phận” đàn ong Ý mà Công ty Ubee đang gây nuôi tại Cà Mau, nhằm đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, ông Dương Ngọc Lợi chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *