Phấn đấu cuối năm, toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến với người dân

Khó khăn trong cấp đổi GCNQSDĐ không ảnh hưởng đến tính hiệu quả của Dự án

Liên quan đến vấn đề cấp đổi GCNQSDĐ cho người dân, Báo ảnh Đất Mũi số 1174 phát hành ngày 12/10/2020 có bài: “Một dự án hàng chục tỷ đồng không hiệu quả trên thực tế”, phản ánh việc Dự án Đo chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký đất đai (ĐKĐĐ), lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính các xã thuộc huyện Thới Bình, được triển khai từ năm 2016, với tổng dự toán hơn 36 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành, tuy nhiên không đạt hiệu quả.

Để làm rõ hơn vấn đề này, trao đổi với Báo ảnh Đất Mũi, ông Phạm Hồng Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở TN&MT) cho biết, dự án thực hiện hoàn thành được mục đích quan trọng là hoàn chỉnh hệ thống bản đồ địa chính, hệ thống hồ sơ địa chính đồng bộ, phục vụ công tác quản lý và sử dụng đất đai chặt chẽ và chính xác. Làm cơ sở để thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

Dự án đã xây dựng được cơ sở dữ liệu địa chính cho tất cả các thửa đất trên địa bàn các xã thuộc huyện Thới Bình, làm cơ sở để xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Cà Mau. Cùng với đó là cung cấp thông tin về đất đai đã được chuẩn hóa cho các hoạt động kinh tế tại địa phương; đáp ứng thông tin theo nhu cầu cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, các đối tượng sử dụng đất.

“Còn việc cấp đổi GCNQSDĐ theo bộ hồ sơ dữ liệu mới, chỉ là một phần phụ của dự án, không ảnh hưởng đến tính hiệu quả của dự án, vì dự án đã hoàn thành và đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra. Việc cấp đổi này, người dân là đối tượng thụ hưởng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn. Phần lớn là do nhận thức của người dân và khâu phối hợp với các cơ quan có liên quan còn nhiều hạn chế, trong đó có công tác phối hợp với các tổ chức tín dụng”, ông Hà cho biết thêm.

Từ thực tế đặt ra, sau khi tiến hành họp, thảo luận với các địa phương, các văn phòng ĐKĐĐ, Sở TN&MT đã xây dựng và triển khai Kế hoạch 44, kế hoạch này không chỉ áp dụng riêng trên địa bàn huyện Thới Bình, mà thực hiện chung cho một số huyện khác: Cái Nước, Phú Tân và U Minh.

Việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện tốt hơn trong công tác quản lý đất đai, cũng như đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

Mở rộng thực hiện, đảm bảo quyền lợi của người dân

Theo đó, Kế hoạch đã đưa ra nhiều giải pháp tổ chức thực hiện. Cụ thể, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ lập danh sách đối với GCNQSDĐ đã xét duyệt đủ điều kiện cấp đổi của hộ gia đình, cá nhân thuộc Dự án Đo chỉnh lý bản đồ địa chính, ĐKĐĐ, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính các xã thuộc huyện: Cái Nước, Thới Bình, Phú Tân, U Minh, gửi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chi nhánh huyện: Cái Nước, Thới Bình, Phú Tân, U Minh; phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT và UBND cấp xã lập kế hoạch thực hiện chứng thực hợp đồng vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân đang thế chấp tại ngân hàng thuộc dự án đảm bảo đúng theo quy định. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký thế chấp và xóa thế chấp đối với GCNQSDĐ gốc (giấy cũ), Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ xác nhận xóa thế chấp vào GCNQSDĐ (giấy cũ), đồng thời đăng ký thế chấp đối với GCNQSDĐ mới được cấp đổi thuộc dự án và giao nhận tay ba theo quy định.

Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện tiếp nhận danh sách đối với GCNQSDĐ đã xét duyệt đủ điều kiện cấp đổi của hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án. Ngân hàng rà soát, đối chiếu với danh sách đang thế chấp tại ngân hàng với danh sách và GCNQSDĐ phô-tô của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cung cấp. Căn cứ vào danh sách, GCNQSDĐ (phô-tô) và thông tin về hồ sơ vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng soạn thảo hợp đồng, các giấy tờ liên quan đến hồ sơ vay vốn hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định, thông báo cho hộ gia đình, cá nhân có vay vốn đến để thực hiện ký xác lập lại hồ sơ theo GCNQSDĐ mới cấp đổi theo dự án, tại UBND cấp xã; sau khi hoàn thành, Chi nhánh Ngân hàng chuyển hồ sơ đăng ký thế chấp và xóa thế chấp đến Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ để thực hiện.

UBND cấp xã thông báo, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu được nghĩa vụ và quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện cấp đổi GCNQSDĐ theo dự án, gửi thông báo đến từng hộ gia đình, cá nhân (có ký nhận). Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ lập kế hoạch thực hiện, chứng thực hợp đồng vay vốn hộ gia đình, cá nhân đang thực hiện cấp đổi GCNQSDĐ theo dự án để đảm bảo đúng theo quy định.

Hiện Sở TN&MT đang chỉ đạo thực hiện gấp rút theo Kế hoạch 44, trên tinh thần xác định việc cấp đổi GCNQSDĐ chỉ có hiệu quả khi đến được tay người sử dụng đất. “Hiện tất cả các GCNQSDĐ thuộc diện cấp đổi đã được thẩm tra đều được in ấn và hoàn thành (trên địa bàn huyện Thới Bình, tổng số hồ sơ thẩm tra đủ điều kiện, đã in, ký cấp GCNQSDĐ là 10.437 hồ sơ). Các giấy này đang được thực hiện cấp phát cho người dân. Qua công tác nắm tình hình, thì đã có hơn 20% giấy được phát đến người dân. Phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, để kế hoạch đạt hiệu quả thì công tác tuyên truyền cần phải được nâng cao, để người dân hiểu đúng về việc cấp đổi GCNQSDĐ, nhằm tăng tính chủ động trong dân”, ông Trịnh Văn Lên chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *