Phát hiện, diệt trừ sớm rầy nâu trên lúa hè thu

Để phát hiện rầy nâu, khi đi thăm đồng, nhìn ruộng lúa thấy có từng chòm, từng đám biểu hiện ngã màu vàng hay nâu nhạt hoặc khô rũ, dạng hình tròn từ bằng cái nia hay lớn hơn, bà con nên lội xuống, dùng tay vạch lúa, quan sát và đập mạnh vào thân lúa. Nếu có rầy, chúng sẽ rớt xuống, nổi trên mặt nước. Ta có thể quan sát tuổi rầy và đếm mật độ con/m2 hay con/dảnh để biết và quyết định phun thuốc diệt rầy hay không.

Phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời, đúng kỹ thuật sẽ giúp nông dân tránh được thiệt hại. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Thông thường, nếu ruộng đã bị nhiễm thì trên lúa sẽ có nhiều lứa rầy. Rầy tuổi 1 nhỏ như những hạt cám mịn, có màu trắng. Rầy tuổi 2 – 3 kích thước lớn hơn như những hạt tấm mẳn, màu vàng nâu. Rầy tuổi 4 – 5 đã lớn, kích cỡ bằng hay lớn hơn những hạt gạo vỡ đôi, có màu nâu vàng đậm.

Ruộng lúa còn đủ dinh dưỡng (từ làm đòng đến trổ), rầy thường không có cánh hoặc tỷ lệ có cánh rất ít, nhưng khi lúa hết dinh dưỡng (bị cháy rầy hay đã trổ, vào chín) thì hầu hết rầy sẽ chuyển sang dạng có cánh dài và phát tán bay đi ruộng khác. Vì thế nên cảnh giác từ giữa vụ đến lúa trổ, là thời kỳ cây lúa đạt số chồi cao nhất, nếu gặp thời tiết nóng ẩm càng thích hợp cho rầy đến xâm nhập và sinh sản mạnh để phá hại.

Lưu ý, để phòng trị rầy có kết quả, nên biết rầy nâu lớn nhỏ đều sống tập trung ở bẹ lúa, đoạn trên cách mặt nước vài phân đến gần cổ én và chúng đẻ chủ yếu cũng trên bẹ lá lúa gần mặt nước. Nếu giữ được mực nước ruộng ngập sâu hơn 2/3 bẹ lá lúa hay ngập đến “cổ én” từng đợt 3 – 4 ngày đêm liên tục cách nhau 15 – 20 ngày/đợt, thì có thể hạn chế được rầy đến trú ngụ và sinh sản.

Trong vụ lúa nên lợi dụng mưa giữ nước lại làm ngập được 2 – 3 đợt như thế kết hợp nuôi cá rô, thả vịt con trên dưới một tháng tuổi để diệt rầy. Việc này mang lại nhiều cái lợi, vừa an toàn, ít tốn kém… Nếu ruộng đã nhiễm rầy mà giữ được độ ngập như trên hay ngập sâu đến trên cổ én trong một tuần, kết hợp với các biện pháp phòng trừ khác, rồi rút bớt nước về mức thường sẽ khống chế được mật số rầy ở ngưỡng an toàn, hiệu quả sẽ cao hơn.

Cách phòng và trị rầy nâu: Đối với rầy nâu, phòng là chính, trị thường khá tốn kém, phải lặp lại nhiều lần, mà đôi khi không mang lại hiệu quả. Do khi phun thuốc thường diệt luôn cả thiên địch, trứng còn trong bẹ lúa sẽ tiếp tục nở sau đó không có “đối thủ” khống chế lại có khả năng tái bùng phát. Cần xác định mùa vụ gieo cấy “né rầy” sao cho giai đoạn lúa nhạy cảm (làm đòng và trổ) lệch với tuổi rầy phá hại tích cực (tuổi 3 – 5), hoặc trùng lúc thời tiết lạnh, để gây bất lợi cho chúng. Cần áp dụng các kỹ thuật canh tác khoa học: Sạ hàng, biện pháp canh tác “ba giảm ba tăng”, phòng trừ tổng hợp IPM, hay không dùng thuốc trước 40 ngày sau khi gieo cấy, kết hợp thực hiện kỹ thuật sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” để bảo vệ thiên địch giữ cân bằng sinh học…

Do rầy nâu chủ yếu chích hút và đẻ trứng nhiều lứa trên vùng bẹ lá lúa nên rất khó phun xịt thuốc tiêu diệt triệt để. Nếu có điều kiện nên kết hợp nuôi cá đồng, nhất là cá rô, bơm nước, giữ cho mực nước ruộng ngập sâu đến cổ én từng đợt khoảng 3 – 4 ngày đêm để diệt trứng rầy, buộc rầy tập trung lên phần lá sát mặt nước, tạo điều kiện cho cá rô và thiên địch diệt rầy, sau đó xả nước về mức bình thường (sâu 10 – 20cm).

Rầy nâu là đối tượng nguy hiểm, khó phòng trị và thường xuất hiện cục bộ nhưng gây hại rất đáng kể. Vụ hè thu năm nay nông dân huyện Trần Văn Thời, Thới Bình do chủ quan, không kiểm soát đồng ruộng kịp thời, nên đã bị rầy nâu kết hợp đạo ôn, sâu cuốn lá bất ngờ gây hại nặng cục bộ, rải rác trên nhiều cánh đồng. Đó là “mầm mống” có thể phát tán mối nguy hại sang các trà lúa gieo cấy muộn hay lúa lấp vụ 2 sắp tới, trên những giống nhạy cảm dễ nhiễm rầy. Bà con cần cảnh giác rầy nâu ngay từ đầu vụ, bằng cách chọn gieo cấy các giống kháng rầy: OM 6976, OM 6677, OM 6162, Một bụi đỏ Cà Mau, Lùn Kiên Giang (Một bụi lùn)… Nên áp dụng thêm nhiều biện pháp phòng khác. Bởi khi lúa đã bị nhiễm rầy thì ngoài tác hại trực tiếp do quần thể rầy chích hút nhựa lúa gây cháy rầy, rầy nâu còn lan truyền nhiều bệnh siêu vi nguy hiểm hiện chưa có thuốc chữa: Bệnh lúa cỏ, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen… nên từng cánh đồng phải phòng ngừa rầy nâu bằng cách dùng bộ giống kháng rầy và nên thay đổi giống sau 2 – 3 vụ gieo cấy.

Khi phát hiện ruộng lúa xuất hiện những ổ rầy nâu có nhiều lứa tuổi rầy với mật số cao, nên báo cho cán bộ kỹ thuật, trạm bảo vệ thực vật để được tư vấn giải pháp diệt trừ cụ thể, nhất là ở trà lúa trên đất nuôi tôm phải chọn các loại thuốc an toàn cho tôm, cá nuôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *