Phát huy sức mạnh nội lực để cán đích nông thôn mới

Người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng nhiều mô hình đa cây – đa con cho thu nhập cao.

Không chạy theo thành tích

Ông Nguyễn Phước Thuận, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Xây dựng NTM là chương trình lớn, để thực hiện thành công trong thời gian ngắn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân”. Trên cơ sở nhận định rõ khó khăn, thuận lợi, sau khi có kế hoạch của huyện, Đảng ủy xã chủ trương kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các ban, kịp thời thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện, ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể”.

Trong những năm qua, xã còn tổ chức các hội nghị giới thiệu quy hoạch, đề án xây dựng NTM, để người dân thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi với việc xây dựng NTM. Ngoài ra, để tăng thu nhập cho người dân, xã đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm mang lại năng suất cao. Ông Thuận phấn khởi: “Xã có hơn 1.000ha trồng lúa trên đất nuôi tôm, dự kiến sẽ mở rộng diện tích này để cho bà con có thu nhập. Song song đó, xã còn xin được hỗ trợ mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn cho 48 hộ dân tại ấp Tân Hiệp, mô hình này đang mang lại hiệu quả cao và sẽ nhân rộng trong thời gian tới”.

Ngoài sức mạnh nội lực, xã còn chú trọng việc kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ của các mạnh thường quân, con em của xã làm việc xa quê… Từ các nguồn vốn vận động, xã làm lộ, xây cầu nối liền xóm, ấp. Đầu năm 2017, phần đất xây dựng trụ sở ấp Tân Thành bị người dân yêu cầu trả lại (vì trước đây người dân cho mượn xây cất), trong lúc chưa biết di dời đi đâu thì ông Lê Văn Đây tự nguyện cho mượn phần đất, đồng thời đóng góp ngày công để xây dựng trụ sở cho bà con có nơi sinh hoạt, họp hội.

Những cây cầu do các mạnh thường quân hỗ trợ không chỉ nối nhịp bờ vui mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Có trụ sở nhưng trên tuyến lại bị “cách trở đò ngang”, bà con muốn đến trụ sở ấp phải đi bằng vỏ máy hoặc có khi ngồi đợi hàng giờ mới có xuồng qua sông. Không có nguồn vốn xây dựng, xã lại tiếp tục vận động mạnh thường quân xây cầu bắc qua kênh Đìa Trâm, ấp nối ấp, đường nối đường, tạo điều kiện cho người dân giao lưu hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Lê Quốc Hận, Trưởng ban Nhân dân ấp: “Từ khi có cầu, bà con vô cùng phấn khởi, các hoạt động của ấp bà con nhiệt tình hưởng ứng, nhất là các cuộc hội thảo, hầu hết bà con tham gia đầy đủ. Từ đó, giúp bà con mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho từng hộ dân”.

Nhờ cách làm chặt chẽ, đến nay, xã đã đạt được 16/19 tiêu chí. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khá ổn định, thu nhập bình quân đầu người trên 41 triệu đồng/người/năm. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ nét. Hiện xã còn 2,52% hộ nghèo; 2,46% hộ cận nghèo.

Dù không nằm trong danh sách được chọn là xã xây dựng NTM nhưng bằng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đã biến những cái không thành có, làm thay đổi bộ mặt của xã. Ông Thuận khiêm tốn: “Theo lộ trình thì đến năm 2020 xã mới về đích nhưng trước tình hình này, Ban Chỉ đạo vẫn kỳ quyết không chạy theo thành tích, chỉ đạo cho các bộ phận làm đến đâu phải chắc đến đó, phải vừa làm vừa kiểm tra”.

Ngoài những tiêu chí chưa đạt thì tiêu chí môi trường đang gây khó với chính quyền, ban, ngành của xã.

Vẫn còn 3 tiêu chí khó

Ông Thuận cho biết xã hiện còn 3 tiêu chí khó là: Giao thông nông thôn; trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Hiện xã có 6 điểm trường nhưng chỉ mới có 1 điểm trường đạt chuẩn. Xã cần xây dựng thêm 4 điểm trường đạt chuẩn, và để hoàn thiện các tiêu chí này, xã cần gần 40 tỷ đồng để đầu tư thực hiện.

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, ngoài những tiêu chí chưa đạt, xã còn tập trung nâng chất các tiêu chí đã đạt nhưng còn “non”, như tiêu chí về thông tin và truyền thông. Hiện xã có 30 cụm loa ở 12 ấp, chủ yếu là xã hội hóa, qua thời gian sử dụng đến nay đã xuống cấp ở 13 cụm. Hiện xã đang vận động người dân đóng góp xây dựng tuyến loa không dây, xã cũng mong muốn nhận được nguồn vốn hỗ trợ, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước kịp thời đến với người dân.

Nan giải nhất hiện nay với xã là tiêu chí môi trường, do tập quán sinh sống lâu đời của bà con nên dù chú trọng công tác tuyên truyền vận động nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Đây là vấn đề lo lắng nhất của các ban, ngành, đoàn thể của xã hiện nay.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị Nguyễn Phượng Giao trần tình: “Các cấp hội phụ nữ đã tuyên truyền, vận động chị em trong các chi hội phân chia loại rác thải, tránh trường hợp bỏ rác bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường, nhưng chỉ mới thực hiện được bước đầu, vì đa phần người dân chưa thay đổi được thói quen trong sinh hoạt”.

Thiết nghĩ, ngoài nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền, mỗi người dân tự nêu cao ý thức, trách nhiệm bằng những việc làm cụ thể, góp phần cùng với xã nâng chất các tiêu chí đã đạt, đưa xã sớm về đích theo đúng lộ trình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *