Phát huy tinh thần tiến công cách mạng của cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai

Vào các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo đến dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang 10 liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai.

Diễn ra trong bối cảnh của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940 chống giặc ngoại xâm đã giành thắng lợi, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân, dân Cà Mau.

Thực hiện lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ, ngày 26 – 27/11/1940, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng về triển khai kế hoạch khởi nghĩa quyết định chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa trong tỉnh, đồng chí Phan Ngọc Hiển được phân công lãnh đạo trực tiếp cuộc khởi nghĩa tại đảo. Nhưng đến ngày 12/12, nhận được lệnh của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang đình cuộc khởi nghĩa, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo cho các khu vực ngừng khởi nghĩa; riêng chi bộ ngoài đảo Hòn Khoai không có cách nào chuyển lệnh ngừng khởi nghĩa đến được. Đúng theo kế hoạch, lúc 23 giờ 15 phút đêm 13/12/1940, lực lượng của ta mai phục và diệt tên sếp đảo Olivier, thu toàn bộ vũ khí và quân trang, quân dụng của địch. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, ta đã làm chủ trên đảo được nhiều giờ. Thu toàn bộ chiến lợi phẩm, các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai về đến đất liền trong tiếng vui mừng hò reo của nhân dân Rạch Gốc chào đón đoàn quân chiến thắng.

Tháp hải đăng trên đảo, nơi ghi dấu cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử năm 1940. Ảnh: THÁI BÌNH

Trong khi đó, các nơi trong tỉnh đều nhận được lệnh ngừng cuộc khởi nghĩa, nên về đến đất liền, dù không liên lạc được với cấp trên, với đồng đội, nhưng các chiến sĩ của cuộc khởi nghĩa đã linh hoạt, tiếp tục thừa thắng xông lên đánh chiếm Đồn Kiểm lâm ở thủ Tam Giang, lập thêm chiến công mới…

Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai được xây dựng vào ngày 13/12/1990. Công trình nhằm ghi lại dấu ấn hào hùng của cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai, vừa là địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cầu Phan Ngọc Hiển tạo điểm nhấn duyên dáng, phồn thịnh cho thành phố trẻ Cà Mau.

Thất bại hoàn toàn ở đảo Hòn Khoai, địch đã điên cuồng truy lùng các chiến sĩ cuộc khởi nghĩa, bắt bớ hàng loạt người dân vô tội, hòng dìm cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu. Các đồng chí tham gia khởi nghĩa Hòn Khoai vẫn cố gắng di chuyển, nhằm bảo toàn lực lượng… Đến ngày 22/12/1940, các chiến sĩ bị địch bắt ở bãi Khai Long. Trong suốt 6 tháng bị thực dân Pháp và tay sai giam cầm, tra tấn với mọi cực hình tàn bạo, nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường của người cộng sản, các chiến sĩ vẫn giữ được khí tiết của người cách mạng. Thất bại trước sự gan dạ, dũng cảm của của các chiến sĩ, ngày 12/7/1941, chúng đem 10 chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Hòn Khoai ra pháp trường. Tại đây, trước cái chết, các anh vẫn hiên ngang khí phách của người chiến thắng.

Các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai đã anh dũng hy sinh, để lại cho Đảng bộ và quân, dân Cà Mau lý tưởng sống tốt đẹp. Đến nay, dù đã 76 năm trôi qua, song những tấm gương anh dũng, bất khuất của các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai vẫn còn vang mãi và trường tồn trong niềm tri ân của các thế hệ người dân Cà Mau.

Từ ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940, ngày 13/12 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và quân, dân tỉnh Cà Mau. Và tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung: Nhà giáo – Nhà báo – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển, người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai, sống mãi với lịch sử quê hương cuối trời Tổ quốc và trong đời sống muôn thế hệ người Cà Mau qua những công trình, những mái trường mang tên Phan Ngọc Hiển.

Cứ mỗi độ tháng 12 về, trong thời điểm dốc toàn lực về đích thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, mừng ngày truyền thống cách mạng của tỉnh nhà, tinh thần tiến công cách mạng của cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai được nhắc nhớ, động viên mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Cà Mau ra sức thi đua trong học tập, lao động, công tác để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *