Phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa

Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa tác động mạnh đến ý thức của người dân.

Hiện toàn huyện có 11.675 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm gần 75% tổng số hộ, trong đó có trên 4.400 hộ đạt chuẩn văn hóa 3 năm liền; có 25/70 ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa; đặc biệt, có 2 xã (Hàm Rồng và Hàng Vịnh) đạt danh hiệu xã văn hóa nông thôn mới và xã Hiệp Tùng đang chuẩn bị được công nhận.

Đạt được những thành tích đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của từng hộ gia đình, nhất là các gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện các phong trào ở địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Rồng, ông Võ Văn Út cho rằng: “Ngoài sự vào cuộc tuyên truyền tích cực của cấp ủy, chính quyền cũng như chi bộ, Ban Nhân dân ở ấp thì ở góc độ hộ gia đình, nhất là những người trụ cột của gia đình thường quán triệt tốt và triển khai cho con cháu thực hiện. Từ đó, gia đình mới đạt được chuẩn gia đình văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu, đồng thời thực hiện tốt các quy định, tiêu chuẩn về lối sống văn hóa. Rất nhiều phong trào ở địa phương, như: Thi đua sản xuất, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là các chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn… tất cả đều là hộ gia đình và người dân trực tiếp thực hiện”. Phó Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh, ông Huỳnh Công Tâm: “Thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện nhiều hộ gia đình tích cực tham gia đóng góp về vật chất, kinh phí, nhất là việc hiến đất xây dựng trụ sở văn hóa, lộ giao thông và một số công trình khác. Tất cả 6/6 trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp được hiến đất xây dựng”.

Huyện Năm Căn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân.

Nhờ được sự đồng tình, nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân, mà hiện nay phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Năm Căn đi vào chiều sâu. Đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình, tiêu biểu, tình nguyện góp công, góp của xây dựng nông thôn ngày thêm khởi sắc, bằng những việc làm thiết thực như: Hiến đất xây dựng trụ sở văn hóa, trường học, lộ giao thông nông thôn; đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình; hưởng ứng cuộc vận động vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,… Những việc làm đó có thể tính bằng giá trị vật chất, nhưng điều quan trọng hơn là nhiều cá nhân, hộ gia đình đã nâng cao nhận thức về ý nghĩa của cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa.

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, mà trọng tâm là cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, cần có sự đổi mới về nội dung và phương pháp, để việc tập hợp người dân tham gia hội họp, đóng góp ý kiến vào các công trình, phần việc ở cơ sở, ngày càng hiệu quả, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân.

Gia đình là tế bào của xã hội, đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; chính gia đình là một thiết chế văn hóa góp phần tạo dựng nên một xã hội có văn hóa. Từ đó cho thấy, vai trò của gia đình đối với các mặt đời sống xã hội hết sức quan trọng. Muốn phát huy tốt vai trò của gia đình, đòi hỏi nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên cần phải nâng cao hơn và gương mẫu đi đầu, có như thế mới phát động sâu rộng và cổ vũ trong toàn dân, mọi nhà cùng tham gia thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *