Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, gắn với nông thôn mới

Nâng cao giá trị ngành chủ lực

Cà Mau có khoảng 300.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 280.000ha nuôi tôm với đa dạng loại hình nuôi. Sản lượng khoảng 180 ngàn tấn/năm, cung cấp nguyên liệu cho 30 nhà máy chế biến thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm. Hiện toàn tỉnh có 4.842 phương tiện, với tổng công suất máy 743.806CV; trong đó, tàu cá từ 90CV trở lên có 2.365 phương tiện. Sản lượng khai thác hàng năm trên 200 ngàn tấn.

Tỉnh có khoảng 165.000ha đất lâm nghiệp (ngập lợ – mặn), trong đó đất có rừng 95.000ha, bao gồm 2 khu rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ; rừng phòng hộ ven biển và 53.000ha rừng sản xuất. Rừng ngập mặn ngoài bảo vệ môi trường, chống xói lở còn là nơi nuôi tôm sinh thái; rừng ngập lợ duy trì tràm bản địa và phát triển mạnh keo lai thâm canh, cung cấp nguồn nguyên liệu cho chế biến lâm sản…

Đề án qua 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng ngày càng cao và phát triển bền vững. Giá trị sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp tăng bình quân 4,35%/năm, đạt mục tiêu Đề án đề ra đến năm 2020. Thủy sản phát triển mạnh, năng suất, sản lượng tăng; người dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất mới hiệu quả cao; diện tích nuôi tôm thâm và siêu thâm canh tăng gấp 1,7 lần; tôm nuôi quảng canh cải tiến tăng 2,7 lần và diện tích tôm sinh thái tăng 1,6 lần so với năm 2013. Diện tích trồng lúa theo mô hình Cánh đồng lớn tăng 2,8 lần so với năm 2013 và đạt hiệu quả cao; tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao trong hộ dân chiếm trên 80% diện tích, qua đó đã hình thành được những vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung, quy mô lớn. Trồng rừng thâm canh tại khu vực U Minh Hạ tăng gấp 5 lần so với năm 2013, nhờ ứng dụng khoa học – kỹ thuật về giống, phương pháp canh tác thâm canh đã rút ngắn được chu kỳ kinh doanh rừng tràm từ 15 – 20 năm trước đây xuống còn 6 – 8 năm và năng suất, chất lượng rừng trồng tăng lên từ 2 – 3 lần.

Cà Mau có khoảng 300.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 280.000ha nuôi tôm với đa dạng loại hình nuôi.

Tái cơ cấu gắn với nông thôn mới

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu: Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp vào năm 2018 đạt 90 triệu đồng (vượt mục tiêu đề án đề ra); đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 39,2 triệu đồng/người/năm. Qua đó góp phần xây dựng 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 36,6% số xã trong tỉnh (năm 2013 chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới).

Đặc biệt, qua 4 năm thực hiện Đề án, doanh nghiệp và nông dân đã quan tâm hơn đến việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tích cực tham gia liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đã kết nối 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 23 hợp tác xã/tổ hợp tác để cung ứng vật tư đầu vào và xây dựng vùng nguyên liệu tôm có chứng nhận quốc tế, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nếu như cách đây 3 năm, bước đầu chỉ xây dựng được 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ 1.150ha lúa cao sản, lúa tôm an toàn, thì đến nay đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm lúa an toàn dành cho xuất khẩu, với tổng diện tích là 13.970ha. Phối hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa tôm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế Organic NOP (Mỹ), Organic UE (châu Âu) và Organic JAS (Nhật Bản) với quy mô 370ha.

Đã thành lập 1 hợp tác xã sản xuất tổng hợp ở khu vực rừng tràm; đang hoàn thiện 1 mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm gỗ keo lai; tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng để đạt 30.000ha tôm – rừng được chứng nhận vào năm 2020 và đã có 1 doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị Rừng thế giới (FSC), với diện tích 1.047ha. Hiện đang xây dựng phương án quản lý rừng bền vững khoảng 6.000ha. Tổng diện tích trồng rừng nguyên liệu thâm canh được 19.000ha, trong đó tràm 9.400ha, còn lại là keo lai.

Trọng tâm các giải pháp

Từ thực tế qua 4 năm triển khai đề án, thời gian tới, Cà Mau tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở những vùng có đủ điều kiện. Đẩy mạnh phát triển sản xuất ngư – nông – lâm nghiệp một cách toàn diện và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.

Song song đó là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhất là về thủy lợi, sản xuất giống, chế biến thủy sản, nông sản và lâm sản… tăng tích lũy, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội nông thôn tỉnh. Bố trí, ổn định các loại hình sản xuất theo hướng an toàn bền vững, đa dạng hóa giống loài, tăng nhanh thu nhập trên một đơn vị diện tích. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, chú trọng tới những thị trường dễ tính và nội địa để tiêu thụ hết sản phẩm chủ lực cho nông dân. Triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện tái cơ cấu 4 ngành hàng chủ lực (tôm, cua, lúa và gỗ) gắn với công nghiệp chế biến và phát triển ngành nghề nông thôn.

“Trên cơ sở thực tế sản xuất đã qua, Cà Mau sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thông qua các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, như: Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tôm – rừng, vừa góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, vừa bảo vệ và phát triển rừng; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có kiểm soát – tạo ra năng suất, sản lượng cao, tiết kiệm diện tích sản xuất; mô hình trồng rừng tràm, keo lai thâm canh gỗ lớn có năng suất, sản lượng, hiệu quả cao, góp phần cung cấp nguyên liệu chế biến lâm sản và tăng tỷ lệ che phủ rừng; mô hình sản xuất tôm – lúa…”, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Thanh Hiền chia sẻ.

Bên cạnh đó, để tiếp tục phát huy thế mạnh của kinh tế thủy sản, Cà Mau sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 sau khi được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, thành lập 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm siêu thâm canh tập trung và trồng trọt công nghệ cao) và 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản với quy mô trên 300ha.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *