Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Ở Cà Mau đã có nhiều giải pháp trong tổ chức triển khai, duy trì và phát triển văn hóa đọc. Từ đó, ngày càng nhiều ngày hội đọc sách được triển khai rộng khắp, với hàng trăm ngàn lượt độc giả tham gia. Đặc biệt, so với trước kia, thư viện cấp huyện, các phòng đọc cơ sở có sự gia tăng đáng kể.

Cơ sở vật chất, các đầu sách được luân chuyển thường xuyên, đảm bảo nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của mọi đối tượng.

Nhiều mô hình đọc sách

Hệ thống thư viện công cộng tỉnh Cà Mau gồm Thư viện tỉnh, 9 thư viện cấp huyện và trên 80 bưu điện văn hóa xã, hàng trăm thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ quan, đơn vị, công sở, trường học… Hàng năm hệ thống thư viện công cộng được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước và một phần từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa để bổ sung sách phục vụ bạn đọc tại chỗ và thực hiện việc luân chuyển sách xuống cơ sở. Việc đọc sách, báo phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu công tác chuyên môn, lao động, sản xuất và giải trí của người dân rất lớn và đa dạng. 6 năm qua, đã triển khai gần 600.000 lượt sách phục vụ gần 500.000 lượt bạn đọc. Điều đó không chỉ góp phần duy trì, phát triển văn hóa đọc, nâng cao sự hiểu biết chính trị, pháp luật, tri thức… mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Tỉnh đã phát động và duy trì phong trào đọc sách trong cán bộ, thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân bằng nhiều hình thức trưng bày, triển lãm giới thiệu sách chuyên đề, chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa – nghệ thuật và các loại sách báo, tạp chí chính thống. Ngoài ra, tỉnh tổ chức trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí: “Hội thi cán bộ thư viện giỏi”, “Hội thi kể chuyện theo sách”, “Xếp sách nghệ thuật”, kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian gắn với đọc sách: Rung chuông vàng, Đuổi hình bắt chữ, Ô chữ thông thái, vẽ tranh thiếu nhi… đã thu hút đông đảo độc giả tham gia.

Cà Mau phát động và duy trì phong trào đọc sách trong cán bộ, thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân bằng nhiều hình thức trưng bày, triển lãm giới thiệu sách.

Hiện nay, Thư viện điện tử đã được đầu tư đưa vào hoạt động, cùng với xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện… đang thu hút sự quan tâm của độc giả. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh Cà Mau đã tích cực phối hợp với Hội Khuyến học tổ chức nhiều mô hình đọc sách tại các hộ dân ở nhiều địa phương. Những dự án này đã bước đầu làm thay đổi cách nhìn nhận của độc giả về các hoạt động thư viện. Từ đó, không chỉ người dân ở thành thị, mà ở vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận và sử dụng sách báo. 6 năm qua, Thư viện tỉnh đã thực hiện trên 350 ngàn lượt sách luân chuyển đến cơ sở, phục vụ tại chỗ trên 2,4 triệu lượt sách cho hơn 1,3 triệu bạn đọc.

Mô hình “Tủ sách dành cho phạm nhân” tại Trại giam Cái Tàu là dấu ấn nổi bật. Hiện tại có 1 thư viện và 3 tủ sách, với trên 3.000 sách và tạp chí.

Hoạt động “Ngày hội đọc sách” và cuộc thi viết cảm nhận về sách được Trại giam Cái Tàu tổ chức thường niên, có gần 300 phạm nhân tham gia, giúp phạm nhân tự cảm hóa, nhận thức về bản thân và cuộc sống, để trở thành người có ích cho xã hội. Song song đó, tỉnh triển khai thực hiện Đề án văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, với mục tiêu tạo điều kiện để người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Tỉnh quyết tâm đến năm 2030 có 100% học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh được đáp ứng nhu cầu đọc sách báo, tư liệu tại các thư viện cơ sở đào tạo và thư viện công cộng. Từ 30% trở lên người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của hệ thống thư viện công cộng.

Ở mỗi chuyến xe thư viện lưu động đều có tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí khai thác kiến thức bổ ích, giúp học sinh tìm tòi, say mê đọc sách.

Lần đầu tiên có Hội Sách online

Cà Mau hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 năm 2020, với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”. Bà Nguyễn Kim Diệu, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đang phát động cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” lần 2 năm 2020. Các thí sinh dự thi chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc một bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc… Đây là hoạt động nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh, thiếu niên; từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho trong thế hệ trẻ – yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Ngày Sách Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vì thế không tổ chức các hoạt động trưng bày, thu hút đông người. Lần đầu tiên, Hội sách được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Hội Sách online khai mạc vào ngày 19/4 trên sàn book365.vn.Tất cả các đơn vị tham gia đều có gian hàng riêng với đầy đủ công cụ hỗ trợ bán hàng và tương tác trực tuyến với khách hàng; được sử dụng dịch vụ vận chuyển, dịch vụ thanh toán của book.365.vn.

Hội sách năm nay có sự đồng hành của gần 40 nhà xuất bản, đơn vị phát hành cung cấp gần 10.000 đầu sách với mẫu in đẹp, cam kết khuyến mãi trên giá bìa của chính giám đốc các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành lên tới 25%. Toàn bộ chi phí vận chuyển sách sẽ được miễn phí. Đồng thời, các đầu sách này dự kiến sẽ được hơn 30 khách mời là những nhà lãnh đạo, doanh nhân, người nổi tiếng giới thiệu tới độc giả và viết lời bình sách, giúp khơi gợi, cổ vũ tinh thần đọc sách và phát triển văn hóa đọc sách cho cộng đồng. Kỳ vọng Hội sách sẽ trở thành sự kiện tinh thần lớn và có ý nghĩa nhất của quốc gia tại thời điểm này khi mọi hoạt động khác đang bị đình trệ, từ đó mang lại nhiều sự khích lệ với cộng đồng trong thời điểm dịch COVID-19.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *