Phổ cập giáo dục mầm non về đích

Các trường được đầu tư, không chỉ đáp ứng công tác giáo dục mà còn công tác chăm sóc tốt cho trẻ.

Thời gian qua, công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 – 2015, công tác này được đẩy mạnh thực hiện và đạt nhiều kết quả phấn khởi. Năm 2014, TP. Cà Mau là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được UBND tỉnh ra quyết định công nhận hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Năm 2015 công nhận thêm 4 huyện: Thới Bình, Phú Tân, Năm Căn và Cái Nước. Sang năm 2016, Cà Mau đã hoàn thành Chương trình phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%.

Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi không chỉ là nền tảng quan trọng để trẻ bước vào lớp 1, mà còn quyết định tới sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ về thể chất, tình cảm, đạo đức, trí tuệ và thẩm mỹ.

Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cũng như sự chung tay các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các mạnh thường quân. Đặc biệt, công tác xã hội hóa trong GDMN nói chung và phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi nói riêng có nhiều chuyển biến đáng kể, đã huy động nhiều nguồn lực xã hội để phát triển các loại hình trường công lập lẫn dân lập. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được nhân dân, cộng đồng nhiệt tình hỗ trợ. Nhận thức các cấp ủy đảng, chính quyền và trong nhân dân ngày càng nâng lên, sự phối hợp các ban, ngành, đoàn thể được quan tâm đẩy mạnh, thể hiện bằng nhiều văn bản chỉ đạo, quyết định hỗ trợ kinh phí, tăng cường đội ngũ, quy hoạch quỹ đất xây dựng trường, lớp và trong các hoạt động điều tra, vận động trẻ đi học…

Từ công tác xã hội hóa, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển các loại hình trường công lập lẫn dân lập. Ảnh: Giờ chơi của trẻ tại Trường Mầm non Phổ Trí Nhân (TP. Cà Mau). Ảnh: QUỐC BÌNH

TP. Cà Mau là đơn vị đi đầu thực hiện hiệu quả. Sau khi Đề án phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi được ban hành, TP. Cà Mau đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng về phổ cập GDMN tới các cấp, các ngành và toàn xã hội. Qua đó, đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt và tập trung nguồn lực của các cấp, các ngành, công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn thành phố đã hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra. TP. Cà Mau có 34 trường mầm non/17 xã, phường (13 trường đạt chuẩn Quốc gia); tổng số 420 giáo viên đều đạt chuẩn; 131/206 lớp có đủ bộ thiết bị dạy học; 2.422 trẻ 5 tuổi đến trường.

Nếu như trước đây, các hoạt động của GDMN từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ giáo viên và việc huy động trẻ ra lớp hầu như đều gặp khó khăn, thiếu thốn, thì hiện tại, bậc học mầm non đã có phần khởi sắc. Trong đó, thể hiện rõ nét nhất là việc đầu tư xây dựng nhiều ngôi trường mầm non, mẫu giáo khang trang đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Toàn tỉnh hiện có 132 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó ngoài công lập là 12 trường. Hiện có 54 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, 100% trường công lập thực hiện tự đánh giá chất lượng giáo dục; đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học từng bước được trang bị khá đầy đủ, trong đó ưu tiên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ trong dân đi học nhà trẻ chiếm 6,3%; mẫu giáo 63,7%. Riêng mẫu giáo 5 tuổi tỷ lệ huy động trẻ ra lớp chiếm 99,5% (tăng 1,6%); tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi là 100%. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Ngành Giáo dục thường xuyên tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chương trình. Đồng thời phát huy khả năng tự học, tự bồi dưỡng kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong GDMN, để đội ngũ giáo viên thật sự giỏi về chuyên môn, chuẩn mực về đạo đức, đóng vai trò nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ”.

Bên cạnh những kết quả đáng mừng đó, cấp học mầm non còn nhiều vấn đề đáng băn khoăn. Đáng kể nhất là tình trạng thiếu phòng học và đồ dùng thiết bị trong lớp. Hiện tại, toàn tỉnh còn 286 phòng học mượn tạm trường tiểu học, nhà sinh hoạt cộng đồng; tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn chưa được khắc phục triệt để. Giáo viên thiếu chuẩn đào tạo hoặc không đúng chuyên ngành đào tạo vẫn bố trí đứng lớp, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng thực hiện chương trình GDMN.

Hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trong toàn tỉnh không chỉ là nền tảng quan trọng để trẻ bước vào lớp 1, mà còn quyết định tới sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ về thể chất, tình cảm, đạo đức, trí tuệ và thẩm mỹ. Việc hoàn thành phổ cập GDMN sẽ là điều kiện để cho bậc học này phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *