Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Sử làm Chủ tịch Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam

Việc thành lập Liên minh tôm sạch nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về phát triển nông nghiệp bền vững trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, đó là phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ban Chấp hành Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025 ra mắt Đại hội.

Đại hội khẳng định, ngành tôm Cà Mau lớn lên cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước, đã rất năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành một ngành hàng chủ lực, có mức đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hiện tỉnh có trên 280.000ha nuôi tôm nước lợ (chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước), sản lượng tôm hàng năm đạt trên 180.000 tấn (chiếm 22% sản lượng tôm cả nước). Tôm Cà Mau được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận (ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland…).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, có trang thiết bị công nghệ hiện đại tầm cỡ so với khu vực và thế giới, với công suất trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau đạt trên 1,2 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 34% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Con tôm Cà Mau đã có mặt ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 4 thị trường chủ đạo là Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.

Ngành hàng tôm cũng là sinh kế chủ yếu của 50% dân số trong tỉnh (chiếm gần 600.000 nhân khẩu), ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của trên 350.000 lao động, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300.000 lao động.

Ngành tôm Cà Mau có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tuy vậy, ngành tôm Cà Mau vẫn chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế về thiên nhiên, con người và sự quan tâm của nhà nước, của các tổ chức trong và ngoài nước. Thực tế trong quá trình phát triển còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập và mâu thuẫn; có nguy cơ, rủi ro cao, tác động trực tiếp đến kết quả và tính bền vững trong  sản xuất của ngành; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu thực tế; chưa có trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, khó kiểm tra, kiểm soát. Trong quá trình hội nhập, ngành hàng tôm còn nhiều rào cản: An toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước xuất khẩu tôm. Nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, khiến giá trị con tôm giảm thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chính vì thế, Liên minh tôm sạch thành lập với mong muốn tập hợp nguồn lực về con người và vật chất, góp phần thúc đẩy, phát triển ngành tôm của Cà Mau với quy mô tăng dần theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để thúc đẩy các hoạt động đối thoại chính sách, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đây là cơ hội lớn để tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong chuỗi ngành hàng tôm cùng hỗ trợ nhau hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đến nay, Liên minh đã thu hút được sự tham gia của 66 thành viên. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam gồm 22 thành viên; Phó Chủ tịch tỉnh, ông Lê Văn Sử được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *