Phòng bệnh cúm H5N1 lây sang người

Các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia cầm.

Để chủ động đối phó trước tình hình dịch bệnh, ngay từ đầu năm, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác phòng, chống cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) và các dịch bệnh có tính chất lưu hành tại địa phương. Ngành đã chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong công tác phòng chống dịch bệnh ở người; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y và các đơn vị, địa phương nhằm tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các địa bàn, nhất là những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Ngành Y tế đã đề ra nhiều giải pháp: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị y tế dự phòng về các biện pháp xử lý ổ dịch cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) và các phương pháp chẩn đoán điều trị, kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm.

Một trong những biện pháp phòng bệnh là người dân phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm từ gia cầm phải đảm bảo rõ nguồn gốc.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đơn vị tiên phong trong công tác phòng, chống dịch bệnh của ngành thường xuyên cập nhật thông tin về các loại dịch bệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngay khi nhận được tin đã xuất hiện dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm tại hộ ông Lê Văn Út ở ấp Rạch Nhum, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời (chết 300 con vịt xiêm, vịt ta; 500 con gà nòi và 18 cặp bồ câu vào ngày 23/9 vừa qua), cán bộ y tế làm công tác dự phòng đã kịp thời lấy mẫu máu xét nghiệm ở số người có tiếp xúc với gia cầm và kết quả là tất cả các mẫu đều âm tính với cúm A(H5N1). Tuy chưa có người mắc cúm A(H5N1), song toàn ngành, nhất là hệ thống y tế dự phòng đang tập trung nguồn lực để triển khai các biện pháp chuyên môn, nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh từ gia cầm sang người.

Bệnh cúm gia cầm lây sang người A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm A(H5N1) gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm bệnh, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh có biểu hiện: Sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, bác sĩ Nguyễn Thanh Dân khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch cúm gia cầm, kiên quyết không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gia cầm bệnh, chết; thực hiện tốt các yêu cầu về vệ sinh chăn nuôi, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm đầy đủ. Người dân cần chú trọng thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống nước đã đun sôi, không sử dụng tiết canh, thực phẩm gia cầm không nấu chín. Nếu phát hiện gia cầm bệnh, chết, người dân phải chủ động khai báo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương để được hướng dẫn cách xử lý, phòng bệnh lây sang người. Khi bị sốt cao đột ngột, sốt kéo dài, kèm theo ho, hắt hơi, đau ngực, khó thở, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, nhằm hạn chế các biến chứng của bệnh và phòng tránh lây lan cho cộng đồng.

Hiện đang là thời điểm dịch cúm có thể phát triển: Cúm A(H7N9), A(H5N1) và các chủng virus cúm khác nên các đơn vị trong ngành cảnh giác với tình hình dịch bệnh và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh. Công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cần tiên phong để người dân chủ động nắm bắt thông tin và biết cách phòng tránh. Thực hiện tốt công tác giám sát dịch nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly. Chủ động cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, cơ sở vật chất điều trị và duy trì chế độ trực 24/24 giờ, nhằm đáp ứng các tình huống khi có dịch xảy ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *