Phòng bệnh heo tai xanh

Trước dịch bệnh heo tai xanh xuất hiện, người chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh, thường xuyên theo dõi tình trạng đàn vật nuôi tại gia đình.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Toàn tỉnh hiện có 762 con trâu, bò; đàn heo: 134.097 con; đàn gia cầm trên 2 triệu con. Trong những năm qua, tỉnh luôn thực hiện tốt công tác phòng bệnh cho gia súc gia cầm. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không có dịch heo tai xanh xảy ra, qua đó đã góp phần tăng giá trị sản xuất cho ngành chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ổ dịch heo tai xanh xuất hiện trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, tại hộ ông Nguyễn Văn Khuỳnh, với tổng đàn 75 con, chết 38 con. Ngành Thú y đã chủ động phối hợp triển khai biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Chi cục đã chỉ đạo Chi cục Thú y huyện và đội ngũ thú y viên các xã tăng cường công tác giám sát, nắm chắc tình hình chăn nuôi, tình hình dịch bệnh tại địa phương để phát hiện sớm nhất dịch bệnh xảy ra. Khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy, tiêm phòng vắc xin tai xanh để bao vây ổ dịch trong bán kính 3km xung quanh ổ dịch; dập dịch, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tập trung, kiểm tra vệ sinh thú y, sản phẩm động vật. Hiện 12 cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh đều được nhân viên Chi cục kiểm tra, đóng dấu an toàn trước khi đưa thịt ra thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và kiểm soát tình hình dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn chủ cơ sở làm vệ sinh trước và sau khi giết mổ gia súc. Khi phát hiện sẽ xử lý kịp thời những gia súc có biểu hiện bệnh. Đối với trạm kiểm dịch, Chi cục kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc từ vùng đã công bố dịch.

Dịch bệnh tai xanh (hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở heo) là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở heo. Bệnh do một loại virus gây ra. Đặc trưng của bệnh là hiện tượng sảy thai ở heo hoặc triệu chứng bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở heo con cai sữa. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh. Trước tình hình đó, ngành Thú y đã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở heo. Tăng cường thông tin tuyên truyền về sự nguy hại của dịch bệnh tai xanh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên hệ thống loa truyền thanh của ấp, xóm. Chủ động kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn heo, chủ động tiêm phòng các loại văc-xin phòng bệnh.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nhận định: “Dịch bệnh heo tai xanh xuất hiện là do chuồng trại không an toàn, địa điểm không hợp lý, hộ nuôi sử dụng thức ăn tận dụng. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn thức ăn không bảo đảm, ít quan tâm đến công tác tiêm phòng các bệnh tụ huyết trùng, dịch tả…, đặc biệt các hộ chăn nuôi không tiêm phòng vắc-xin dịch heo tai xanh nên khiến dịch bệnh xảy ra”.

Trước tình hình đó, cùng với việc chỉ đạo các biện pháp phòng dịch, ngành Thú y đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, không mua heo bệnh, thịt heo bệnh; không giấu khi heo bị bệnh; không tự vận chuyển heo bị bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác heo bệnh, heo nghi mắc bệnh ra môi trường”. Cùng với ngành Thú y, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm trong việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ những hộ chăn nuôi chưa có ý thức chấp hành đầy đủ các quy định an toàn trong chăn nuôi, thậm chí giấu dịch và bán heo khi phát hiện heo có biểu hiện bệnh.

Dịch bệnh tai xanh trên đàn heo không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Để ngăn chặn dịch bùng phát và lây lan, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm heo bị bệnh để báo cho cán bộ thú y kịp thời xử lý. Tuyệt đối không bán heo bị bệnh, bởi heo mắc virus gây bệnh tai xanh sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh liên cầu khuẩn. Bệnh này dễ lây sang người thông qua việc ăn uống các thức ăn chưa nấu chín.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *