Phòng, chống đuối nước cho trẻ

Trước tình hình trên, ngày 20/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo số 5470 về việc phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em. Theo đó, Công văn yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè và trong mùa mưa bão. Các địa phương tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh, bổ ích. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, gia đình và xã hội về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, chính quyền địa phương rà soát và khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục các điểm, những nơi nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em, giúp người dân và trẻ em có ý thức phòng tránh.

Nhiều địa phương chưa có sân chơi cho trẻ em. Đó là những thách thức lớn trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Những năm gần đây, tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, một số vụ đuối nước ở học sinh, trẻ nhỏ đã xảy ra tại các địa phương gây đau xót cho gia đình, xã hội và làm dư luận nhân dân băn khoăn lo lắng. Mới nhất là vụ đuối nước tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Vụ việc xảy ra vào lúc 10 giờ ngày 18/7, nạn nhân là cháu Đỗ Thị Hạnh, sinh năm 2004, con bà Đỗ Thị Đông, tại Ấp 7. Theo gia đình nạn nhân, cháu Hạnh bơi xuồng ra vuông sau nhà có độ sâu khoảng 2m, bất cẩn ngã xuống vuông, do cháu không biết bơi, khi gia đình phát hiện được thì cháu đã tử vong. Trước đó, trường hợp cháu Trần Hoàng Thiện, mới trên 20 tháng tuổi, tại Ấp 6, xã Nguyễn Phích, cũng bị chết do đuối nước ngày 16/7. Đây là tình trạng đáng báo động, bởi chỉ trong 3 ngày, trên địa bàn huyện U Minh đã có 2 cháu tử vong do bị đuối nước.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 293 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 5 em tử vong do đuối nước. Phần lớn các vụ đuối nước xảy ra với trẻ từ 10 đến 14 tuổi, nhiều vụ việc thương tâm xảy ra cùng một địa phương. Trong các nguyên nhân, phần lớn là do các em đi tắm ao, hồ, kênh, mương. Một số trường hợp do các em bị trượt chân ngã nhưng không biết bơi rồi chết đuối.

Bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh) cho biết: “Cà Mau là tỉnh có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Mặt khác, tiềm lực đầu tư cho việc dạy bơi còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa có sân chơi cho trẻ em. Đó là những thách thức lớn trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Chính vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho người dân; xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em, dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi vào trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi… Phổ cập kỹ năng sơ cứu, cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên… Mỗi gia đình hãy quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện cho các em hiểu, biết bảo vệ mình trong môi trường nước ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát”.

Dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước là một trong những biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng đuối nước cho trẻ em.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đặc biệt, chú trọng đến vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao; tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em học sinh tham gia, những nơi có điều kiện có thể dạy bơi cho các em, cần quan tâm trang bị những kỹ năng sống và giám sát cho các bậc phụ huynh, đây chính là điều kiện chăm sóc, bảo vệ các em tốt nhất để các em được phát triển một cách toàn diện và xã hội không còn phải chứng kiến những cái chết thương tâm do tai nạn đuối nước gây nên.

Hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em, đảm bảo quyền sống còn cho trẻ đòi hỏi phải có những giải pháp lâu dài, hiệu quả và đồng bộ. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình và cộng đồng xã hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hậu quả của tai nạn đuối nước cho trẻ, dạy trẻ biết bơi, cảnh báo nguy hiểm cho trẻ; bên cạnh đó là tạo thêm sân chơi lành mạnh cho trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *