Phòng ngừa bệnh dại xuất phát từ cộng đồng

Việc nuôi chó thả rông trong khu dân cư đã và đang là một hiểm họa, mà hậu quả khó có thể kiểm soát.

Việc nuôi và thả chó chạy rông trong khu dân cư là mối hiểm họa cho người đi đường. Chó thả rông có thể cắn người hoặc gây ra tai nạn giao thông. Hiện nay, người nuôi chó lại có xu hướng thích các giống chó to, chó dữ, lại không rọ mõm, không xích. Vừa qua, tại khu vực chợ Phường 7 xảy ra vụ nhiều người cùng bị một con chó cắn, vụ việc vẫn đang được ngành chức năng làm rõ. Ngay sau đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng xác minh bước đầu, cùng với đó là ban hành nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa hậu quả có thể phát sinh tại TP. Cà Mau cũng như những vùng lân cận.

Nhận định đây là ổ dịch dại trên đàn đã có dấu hiệu xuất hiện tại Phường 7 (TP. Cà Mau), Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo cần tiếp tục giám sát chặt chẽ tại cộng đồng để kịp thời phát hiện những trường hợp bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh dại cắn… trên phạm vi Phường 7 và toàn thành phố. Phối hợp với cơ quan thú y xác định xem còn bệnh dại nghi ngờ trên chó và các động vật khác hay không, nếu có thì cần phối hợp xử lý ngay.

Vận động những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn, đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam. 

Nếu chó, mèo có dấu hiệu bệnh dại hoặc chó, mèo cắn nhiều người cần báo ngay cho trung tâm y tế gần nhất biết để phối hợp phòng chống dịch kịp thời.

Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định. Những con khỏe mạnh trong ổ dịch phải được tiêm phòng bệnh dại. Vận động người dân tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo…

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, hiện công tác phòng ngừa bệnh dại vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, còn một số ít người dân chưa quan tâm, nhiều khi bị chó, mèo cắn còn đi điều trị bằng thuốc nam hay biện pháp dân gian. Thói quen nuôi chó, mèo rất nhiều tại các hộ gia đình; chó thường thả rông, không xích nhốt và rọ mõm và gần như chưa được tiêm phòng dại; không đăng ký, khai báo với chính quyền khi nuôi chó, mèo tại hộ gia đình.

Từ thực tế cho thấy, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức, sự hiểu biết về pháp luật cho người nuôi, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp nghiêm khắc, áp dụng những quy định của pháp luật để mạnh tay xử lý vi phạm nhằm chấn chỉnh tình trạng chó thả rông.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi động vật (chó, mèo) phải thực hiện theo Nghị định số 05/2007/NĐ-CP. Cụ thể: Tuân thủ các quy định về phòng, chống bệnh dại và hướng dẫn của cơ quan thú y; đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Chủ vật nuôi có chó, mèo mắc bệnh dại cắn, cào người, phải bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Lễ, nếu chủ nuôi động vật có vi phạm các quy định trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Trường hợp chủ nuôi động vật để chó, mèo cắn người, hoặc làm chết người hoặc gây thương tích từ 61% trở lên thì chủ nuôi có thể vi phạm dấu hiệu trách nhiệm hình sự theo Điều 295 Bộ luật Hình sự về việc vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Theo đó, chủ vật nuôi có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *