Phòng ngừa nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin khi sử dụng ứng dụng trực tuyến

Lựa chọn học tập, làm việc từ xa trở thành giải pháp của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe trong lúc dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Với đầy đủ các tính năng chia sẻ nội dung màn hình trên máy tính, cuộc gọi âm thanh/hình ảnh trực tuyến, chia sẻ tài liệu, thuyết trình, lên lịch họp, học tập… các ứng dụng trực tuyến đã giúp người dùng làm việc, học tập thuận tiện, không bị gián đoạn. Nắm bắt xu hướng trên, nhiều tin tặc đã thực hiện các cuộc tấn công mạng với nhiều hình thức mới: Truy cập trái phép vào ứng dụng làm việc từ xa, phát tán mã độc chiếm quyền điều khiển máy tính… Từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ: Lộ lọt dữ liệu, lộ thông tin, nguy cơ lừa đảo qua thư điện tử hoặc website giả mạo…

Theo cảnh báo của Bộ Công an, trước và sau khi phát hiện dịch COVID-19, chỉ tính riêng ứng dụng Zoom Cloud Meeting, số lượng người dùng đã tăng từ 10 triệu lên 200 triệu người tại hơn 20 quốc gia sử dụng phục vụ công việc và học tập trực tuyến, với 74 ngàn khách hàng. Tuy nhiên, ứng dụng này cũng bị nhiều chuyên gia, hãng bảo mật uy tín liên tiếp đưa ra các cảnh báo, bằng chứng về việc mất an ninh, an toàn thông tin khi sử dụng (tự động thu thập và bí mật chia sẻ dữ liệu người dùng cho facebook mà không có sự cho phép của người dùng, kể cả người dùng không sử dụng facebook; tồn tại một số lỗ hổng bảo mật cho phép tin tặc có thể đánh cắp thông tin đăng nhập, chèn các liên kết độc hại, chiếm quyền điều khiển, thay đổi, chèn các nội dung không phù hợp…).

Một cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với chính quyền các huyện, xã, phường, thị trấn.

Thực hiện Thông báo số 17, ngày 17/4, của Bộ Công an, về nguy cơ an ninh mạng, an toàn thông tin khi sử dụng các ứng dụng trực tuyến, Công an tỉnh Cà Mau khuyến nghị: Cần nghiên cứu kỹ  trong việc lựa chọn, sử dụng ứng dụng; không cài đặt sử dụng các ứng dụng đang bị cảnh báo tồn tại lỗ hổng, điểm yếu bảo mật; tải và cài đặt các ứng dụng từ nguồn gốc chính thống, thường xuyên cập nhật bản vá lỗ hổng của các ứng dụng và hệ điều hành; khi sử dụng các ứng dụng trực tuyến, cần sử dụng các kênh, phòng riêng, có mật khẩu bảo vệ, xác thực người tham gia, không chia sẻ thông tin về phòng họp (ID, mật khẩu, thời gian…) trên không gian mạng; không tải, mở các tệp tin, đường dẫn lạ không rõ nguồn gốc. Không sử dụng các ứng dụng trực tuyến để trao đổi, gửi nhận các dữ liệu bí mật nhà nước, dữ liệu nội bộ. Không sử dụng các ứng dụng trực tuyến để trao đổi, gửi, nhận các dữ liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước, dữ liệu nội bộ. Không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các cuộc họp trực tuyến, làm việc từ xa, ưu tiên sử dụng các giải pháp do những tổ chức uy tín cung cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp uy tín trong nước: Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, VNG, CMC… và một số biện pháp nhằm đảm bảo an toàn an ninh thông tin khi sử dụng các ứng dụng.

Thời gian qua, nhờ tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ thông tin mà đến nay, các địa phương trong tỉnh Cà Mau có thể áp dụng họp trực tuyến. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường giải pháp họp trực tuyến, góp phần thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo các văn bản chỉ đạo từ Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau làm đầu mối chủ trì, hướng dẫn các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền các địa phương trong tỉnh lựa chọn giải pháp họp trực tuyến thống nhất trên toàn tỉnh, phục vụ các cuộc họp khi cần thiết giữa: Lãnh đạo cấp tỉnh họp với lãnh đạo cấp tỉnh; lãnh đạo cấp tỉnh họp với lãnh đạo cấp huyện; họp trong nội bộ của cấp huyện; họp trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị… Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh tự xác định số lượng tài khoản thuê bao cần thiết tại cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm mỗi cơ quan, đơn vị có ít nhất một tài khoản thuê bao để sử dụng họp trực tuyến, kinh phí chi từ nguồn thường xuyên của cơ quan, đơn vị hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định. Thời gian đăng ký sử dụng tài khoản thuê bao họp trực tuyến là 6 tháng.

Từ năm 2011, tỉnh Cà Mau đã triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin, áp dụng họp trực tuyến giữa tỉnh với UBND các huyện và TP. Cà Mau. Theo đánh giá, việc họp trực tuyến diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, tiện ích và tiết kiệm không nhỏ kinh phí dành cho việc đi hội, họp. Từ hiệu quả nêu trên, việc họp trực tuyến được nhân rộng để đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, việc họp trực tuyến áp dụng đại trà.

Hiện, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 200 tài khoản áp dụng việc họp trực tuyến thường xuyên và mỗi tài khoản tốn khoảng 200.000 đồng/tháng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *