Phú Hưng đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống

Ông Dương Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy (thứ 2 từ phải sang), tham quan mô hình nuôi cá bống tượng ở ấp Nhà Phấn Gốc.

Ngay sau khi đại hội thành công vào tháng 3, Đảng ủy, UBND xã đã nhanh chóng sắp xếp ổn định bộ máy tổ chức, cụ thể hóa Nghị quyết thành chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Cùng với việc triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng NTM chuẩn nâng cao năm 2020, xã xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhằm nâng cao đời sống nhân dân, bởi đây là tiền đề quan trọng quyết định cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng xã NTM chuẩn nâng cao.

Trên cơ sở quy hoạch sản xuất, xã phân công cấp ủy và thành viên Ban chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, triển khai kế hoạch sản xuất năm 2020 đến nhân dân; đồng thời củng cố và thành lập 2 hợp tác xã và 23 tổ hợp tác gắn với các mô hình sản xuất hiệu quả thuộc về thế mạnh của địa phương: Nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT), QCCT 2 giai đoạn, sản xuất lúa – tôm và lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh, nuôi cá chình, cá bống tượng, mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Ngay từ đầu năm, xã cũng đã phát động nhân dân đăng ký kê khai sản xuất ban đầu, làm cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất và hỗ trợ thiệt hại khi không may có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Để giúp bà con nông dân sản xuất đạt kết quả, xã kết hợp với ngành chuyên môn huyện và Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm QCCT, QCCT 2 giai đoạn và sản xuất lúa – tôm cho hơn 370 nông dân có nhu cầu.

Anh Võ Minh Thơ (ấp Phú Thạnh) thực hiện thành công mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn.

Đến thời điểm này, xã đã phát động, nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất. Nổi bật là nuôi tôm QCCT với 2.789ha, đạt 107% kế hoạch, trong đó nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn 1.199ha; nuôi cá chình, cá bống tượng có 486 hộ thực hiện với 28ha; hơn 2.470ha đất sản xuất nuôi tôm kết hợp với nuôi cua xen canh; trồng dừa trên bờ vuông nuôi tôm 66ha; nuôi tôm càng xanh diện tích 95ha; vèo tôm hầm đất 315 hầm, diện tích 2,34ha, có 73 hộ thực hiện. Riêng mô hình lúa – tôm kết hợp, năm nay mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng xã đã vận động nhân dân ở các ấp: Phú Thạnh, Rạch Muỗi, Cái Rắn A và Cái Rắn B gieo cấy được 255ha. Đây là mô hình góp phần ổn định môi trường, giúp sản xuất hiệu quả và bền vững đã được kiểm chứng trong thực tiễn nhiều năm qua, nên khi phát động nhân dân đều quyết tâm thực hiện.

Ngoài nội lực, xã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thí điểm cho 10 hộ dân ở ấp Phú Thạnh thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn trên ruộng lúa 10ha; mô hình nuôi tôm sú thâm canh 3 giai đoạn 1ha và mô hình lúa – tôm 2 giai đoạn 22ha tại ấp Rạch Muỗi. Hiện nay, các mô hình sản xuất đã được triển khai, tôm nuôi phát triển tốt, mở ra hướng sản xuất mới triển vọng cho bà con nông dân. Ông Hà Ngọc Sáu, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Thông qua nhân rộng mô hình sản xuất và các mô hình điểm do ngành chuyên môn triển khai, sẽ giúp cho xã Phú Hưng tăng cường công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân, giúp đẩy mạnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững. Xã quyết tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng/năm vào năm 2025”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *