Phú Hưng phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Phú Hưng xác định, hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM đã khó, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân để đạt chuẩn xã NTM ở mức độ cao sẽ càng khó khăn hơn. Do vậy, Đảng bộ xã Phú Hưng luôn nỗ lực quyết tâm trong chỉ đạo, nhằm làm thay đổi toàn diện các mặt của đời sống xã hội. Để làm được điều đó, hàng năm, xã Phú Hưng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã từng bước đa dạng các mô hình sản xuất: Nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn, nuôi tôm, cua, cá kết hợp, nuôi cá nước ngọt, lợ; trồng cây ăn trái, màu; nuôi tôm càng xanh, vèo tôm hầm đất… giúp nhân dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác. Cùng với nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến hơn 2.000ha, hàng năm xã duy trì mô hình canh tác lúa – tôm kết hợp, với diện tích từ 300 – 350ha, góp phần cải thiện môi trường, đảm bảo sản xuất hiệu quả và bền vững. Hai năm qua, vùng sản xuất lúa – tôm của xã còn hình thành, phát triển được mô hình kết hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ấp Phú Thạnh, phấn khởi: “Ấp Phú Thạnh có tổng diện tích đất sản xuất 229ha, vụ mùa năm 2018, nhân dân đã gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm 164ha. Gieo cấy được vụ lúa, giúp cho nhiều hộ nuôi tôm thành công. Có những hộ chỉ 6 – 7 công đất, nhưng đặt lú một đêm hơn 30 triệu đồng”.

Dọc theo các tuyến lộ bê-tông, người dân trồng hàng rào cây xanh để tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.

Đi đôi với sản xuất nông nghiệp thủy sản, xã còn được đánh giá là địa phương có làng nghề phát triển nhất ở huyện Cái Nước: Nghề đan lưới, ráp lú, làm rập cua, sấy tôm khô ở các ấp Cái Rắn B, Lộ Xe và Đức An. Thông qua việc đa dạng các đối tượng nuôi trồng và phát triển làng nghề, đã giải quyết việc làm, giúp nâng cao đời sống nhân dân, cũng từ đó mục tiêu xóa nghèo và giảm nghèo bền vững được phát huy. Đến cuối năm 2018, xã chỉ còn 51 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,48% và 74 hộ cận nghèo, chiếm 2,15% so với số hộ trong toàn xã. Đây là một trong 3 xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong huyện Cái Nước.

Không chỉ quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, xã còn tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Chỉ tính riêng năm 2018, xã Phú Hưng triển khai xây dựng hoàn thành 4 tuyến lộ bê-tông, tổng chiều dài hơn 3.500m, xây dựng 11 cầu cơ bản, nối liền các tuyến giao thông huyết mạch; tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay hầu hết các tuyến dân cư trên địa bàn xã đều được bê-tông hóa, nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện cả hai mùa mưa nắng. Diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày.

Với sự quyết tâm trong chỉ đạo nâng chất xã NTM, qua hơn 3 năm công nhận, Phú Hưng được đánh giá là một trong các xã đạt được “nhiều cái nhất” trong huyện. Đó là xã có nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế nhất, xã có hệ thống giao thông nông thôn hoàn thiện nhất, địa phương có nhà ở dân cư với cổng rào xây dựng bằng bê-tông nhiều nhất và là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất.

“Không bằng lòng với kết quả đạt được, xã đang nỗ lực nâng chất để trở thành xã NTM kiểu mẫu của huyện. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 45,5 triệu đồng/năm, đến năm 2020 là 50 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò của các đoàn thể và hệ thống chính trị, vận động nhân dân thi đua thực hiện 13 tiêu chí, phần việc thuộc về nội lực, tiếp tục làm thay đổi cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng – xanh – sạch – đẹp. Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ và nhân dân xã sẽ không ngừng nỗ lực quyết tâm trong suy nghĩ và hành động”, ông Nguyễn Mười, Bí thư Đảng ủy xã Phú Hưng, quyết tâm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *