“Phụ nữ dân tộc với pháp luật”

Để pháp luật đi vào lòng dân, bà Quách Kim Luôn (bìa trái) tuyên truyền đến bà con mọi lúc, ngay cả trong dịp chuẩn bị cho bữa tiệc, liên hoan.

Khánh Hưng là xã nghèo đặc biệt khó khăn, có 417 hộ là người dân tộc thiểu số, trong đó có 404 hộ dân tộc Khmer. Trước đây nhận thức của người dân rất hạn chế, tuy nhiên từ khi triển khai mô hình “Phụ nữ dân tộc với pháp luật”, nhận thức của bà con được nâng lên rõ rệt.

Bà Quách Kim Luôn là người gương mẫu về tinh thần lao động.

Theo tâm sự của chị Lý Thị Sụa, dân tộc Khmer, ở ấp Kinh Đứng B, trước kia gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, chồng chị suốt ngày rượu chè, thường hay gây sự, chửi đánh vợ con vô cớ. Nhiều lần bế tắc, chị cảm thấy chán nản định bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Nhờ được sự động viên, chia sẻ kịp thời của chị em Hội Phụ nữ xã, năm 2015 chị tham gia Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ dân tộc với pháp luật”. Tại đây, chị được giãi bày tâm sự, rồi được tư vấn cả về tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong vấn đề hôn nhân và gia đình. Cùng với việc tư vấn, CLB còn cử người đến gặp gỡ, trò chuyện tháo gỡ những khúc mắc tâm lý của chồng chị. Đồng thời, cán bộ Phụ nữ cũng giải thích rõ những hành vi vi phạm pháp luật cùng chế tài xử lý để chồng chị Sụa hiểu. Qua đó, vợ chồng chị dần hòa thuận, cùng nhau làm ăn. Đầu năm 2017, gia đình chị đã thoát hộ nghèo, kinh tế ổn định.

Hội Phụ nữ tích cực tuyên truyền pháp luật cho các hội viên.

Cũng ở ấp Kinh Đứng B, có trường hợp tranh chấp lối đi chung (đất giáp ranh) giữa hộ bà Huỳnh Thị Yên và bà Lý Thị Diềm, đều là dân tộc Khmer. Lối đi này đã hình thành vài chục năm nay, tuy nhiên do có xảy ra mâu thuẫn nên bà Diềm đã rào lối đi chung, từ đó hai bên nhiều lần đưa nhau lên UBND xã. Để giải quyết việc này, UBND xã nhờ CLB “Phụ nữ dân tộc với pháp luật” vào cuộc hòa giải. Cán bộ phụ nữ đã tâm sự với cả hai bên rồi tư vấn, mặc dù đất thuộc quyền quản lý của bà Diềm nhưng trong trường hợp này bà Yên có quyền mở lối chung theo Luật Dân sự. Sau khi được cán bộ phụ nữ phân tích cặn kẽ, hai bên đã làm hòa và cùng sinh sống yên ổn.

Chị em quan tâm chia sẻ cùng nhau kinh nghiệm sản xuất.

Bà Quách Kim Luôn, dân tộc Khmer, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Kinh Đứng B, cho biết: “CLB hình thành vào năm 2010, có hơn 90 thành viên, trong đó gần 30 thành viên là chị em phụ nữ dân tộc, phụ trách thực hiện Đề án “Tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ dân tộc”. Mặc dù kinh tế gia đình chủ yếu là làm ruộng, trồng màu, chăn nuôi…, song các chị em rất nhiệt tình với hoạt động của CLB”.

Hơn 8 năm qua, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp cùng cơ quan công an, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) tổ chức các buổi hội nghị, tọa đàm, hái hoa dân chủ với các chủ đề tuyên truyền về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bình đẳng giới, Luật Giao thông đường bộ… Hoạt động của CLB đã góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội trên địa bàn; nhiều phum, sóc Khmer đạt danh hiệu xóm, ấp văn hóa.

Ông Hồ Thiên Chúa, Chủ tịch UBND xã: “Trong những năm qua, CLB đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương ổn định tình hình cơ sở, nhất là việc chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… Qua đó, xây dựng nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tính từ đầu năm đến nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được kiểm soát; phong trào văn hóa văn nghệ ngày càng phát triển, kinh tế ngày càng khởi sắc”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *