“Quả ngọt” trên đất phèn

Ông Trần Thanh Liêm bên vườn quýt sai trái.

Nhìn trang trại xanh tốt hiện nay, ít ai hình dung được đây từng là vùng đất khô cằn khó canh tác, trồng lúa không hiệu quả, khiến không ít người nản lòng. Nhớ lại năm 2012, khi quyết định trồng quýt, ông Ba Liêm phải mất nhiều công sức tìm hiểu kiến thức, đi thực tế học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, rồi mua giống cây ngoài tỉnh về thử nghiệm, sau nhiều lần thất bại, ông đúc kết nguyên nhân do mình chưa làm tốt khâu cải tạo đất. Ông chia sẻ: “Từ bề mặt xuống khoảng 0,8m là đất hữu cơ, còn từ 0,8m tới 1,5m là đất phèn, từ 1,5m đến 3m mới có đất tốt. Khi lên liếp đừng sợ mất đất, tốn chi phí mà phải mở rộng ao và đào thật sâu. Ao trong vườn đào sâu xuống 5m, như thế mới lấy được nhiều đất tốt, dinh dưỡng cao”.

Với lòng đam mê, sáng tạo, muốn tạo ra sự mới mẻ cho vùng đất này, vừa cho mình vừa cho bà con có hướng phát triển kinh tế, ông Ba Liêm mạnh dạn thực hiện tâm huyết của mình, đầu tư cải tạo lên liếp, mua cây giống. Nhờ thế, giờ đây mảnh vườn nhà ông cho thu hoạch hơn 1 tỷ đồng/năm. Ông nhẩm tính, một công đất vườn nhà “ăn đứt” 1ha đất trồng lúa và khẳng định chắc nịch: “Toàn bộ đất phía trong đê của huyện U Minh và Trần Văn Thời đều trồng được cây ăn quả có múi. Như U Minh, đã có hơn 100ha trồng cây có múi ở Khánh Thuận, Khánh Lâm… Quan trọng là bà con mình có chịu đầu tư, chịu khó lấy công làm lời hay không? Mặt khác, Nhà nước phải hỗ trợ người dân về vốn để mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.

Tận dụng diện tích đất trồng thêm tiêu. Đây là giống cây mới hứa hẹn sẽ bén duyên với vùng đất phèn U Minh.

Trên diện tích đất 6,4ha, ông Ba Liêm trồng nhiều loại cây ăn trái, nhưng chủ yếu là quýt. Hơn 5.000 gốc quýt đường, cam, bưởi cho hiệu quả kinh tế cao vào dịp tết vừa qua. Ông phấn khởi: “Năm qua ước tính thu nhập từ cây quýt và cam khoảng 800 – 900 triệu đồng và trong vài năm tới khoảng 1 – 1,5 tỷ đồng/năm”.

Bên cạnh trồng cây ăn trái, ông còn kết hợp nuôi heo rừng, gà, cá… để tận dụng chất thải nhằm cải tạo đất, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Ông Ba Liêm chia sẻ dự định mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, cung cấp cho thị trường theo nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường dịp Tết Nguyên đán hằng năm.

Không dừng lại ở đó, năm vừa rồi, khi thử nghiệm trồng vài dây tiêu trong vườn, kết quả đạt được ngoài mong đợi, dây tốt, hạt tiêu cay, chắc, ông cho biết sẽ không đổ trụ xi-măng mà sẽ trồng cây gòn cho dây tiêu bám, để cả hai cùng phát triển và đều có giá trị kinh tế.

Có hiệu quả kinh tế cao và bền vững, mô hình trang trại nhà ông Ba Liêm được chọn là mô hình điểm để bà con học hỏi và nhân rộng tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích – ông Võ Văn Liêu: “Rất nể phục tính chịu thương chịu khó của chú Ba Liêm. Từ mô hình điểm của chú đã nhân rộng cho nhiều hộ dân trong vùng. Mô hình này đảm bảo được yếu tố sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *