Quản lý nhà nước về đất đai, đất công còn diễn biến phức tạp

Ông Lên cho biết, hiện có 197 khu đất, thửa đất với diện tích 294,33ha cho thuê, cho mượn không đúng quy định; 318 khu đất, thửa đất với diện tích 234,24ha đang tranh chấp hoặc bị lấn chiếm; 179 khu đất, thửa đất với diện tích 290,07ha chưa đưa vào khai thác, sử dụng.

Vi phạm quản lý đất công chưa được ngăn chặn

Tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra về tình hình sử dụng đất đai, qua đó phát hiện nhiều sai phạm. Điển hình là 73 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Cà Mau sử dụng đất sai mục đích; 250 trường hợp vi phạm về sử dụng đất đai tại huyện Phú Tân; 66 hộ dân huyện U Minh tự ý đưa nước mặn vào đất nông, lâm nghiệp nuôi tôm…

Xác định tình hình còn diễn biến phức tạp, năm 2018, ngành Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 4 đoàn thanh tra, tập trung vào thanh tra việc quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh, thực thi pháp luật về đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất.
Kết quả thanh tra bước đầu phát hiện trên địa bàn huyện Cái Nước có 7,5ha đất công bị lấn chiếm, 1,9ha cho mượn không đúng quy định và 2,8ha đang tranh chấp.

Tại U Minh, Công ty CP Khánh Linh được Nhà nước cho thuê đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế, nhưng ngay sau đó cho thuê lại không đúng quy định với diện diện tích 164,7ha.
Để xảy ra những tồn tại trên, ông Trịnh Văn Lên cho rằng cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, huyện và công chức cấp xã chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn của Trung ương cũng như năng lực còn hạn chế.

Dù chúng tôi đã chỉ đạo tập trung quản lý đất công, tuy nhiên số vụ lấn chiếm, sử dụng đất công không đúng mục đích càng tăng lên, ông Lên thông tin tình hình, đồng thời cho biết tới đây sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý kiên quyết, siết chặt trong quản lý đất công.

Nhiều khu dân cư hình thành tự phát. Ảnh chụp ngày 10/7 tại phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau.

Chưa thể xử lý triệt để ô nhiễm môi trường

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sơn Ca việc đấu giá các khu đất, ông Trịnh Văn Lên cho biết hiện chỉ có 1 khu đất đã thực hiện, 9 khu đất còn lại đang vướng về mặt pháp lý, đặc biệt có 3 khu đất chưa giải phóng mặt bằng triệt để, chưa thể tổ chức đấu giá, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Về việc 66 hộ dân ở kinh xáng Minh Hà (xã Khánh An, huyện U Minh) đưa nước mặn vào đất nông, lâm nghiệp nuôi tôm, làm phá vỡ quy hoạch sản xuất, từ năm 2013 đến nay chưa thể ngăn chặn, để trả lại hiện trạng ban đầu; UBND huyện U Minh vừa có kiến nghị đào con kênh vào 300m phía hậu tại khu vực này, nhằm ngăn nước mặn xâm nhập vào khu vực rừng, quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường là không chấp nhận việc thay đổi này mà phải kiên quyết trả lại hiện trạng ban đầu.

Vấn đề này đã có kết luận thanh tra; kiểm điểm trách nhiệm của chính quyền cơ sở và huyện về phá vỡ quy hoạch sử dụng đất tại đây.

Việc khai thác đất mặt đem đi bán làm thay đổi hiện trạng quy hoạch đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, ông Lên khẳng định đây là trách nhiệm thuộc về chính quyền cơ sở. Trả lời đại biểu Nguyễn Trường Lưu, ông Lên cho biết phát hiện vụ nào thì xử vụ đó, chứ chưa thống kê được số vụ.

Việc để xảy ra ô nhiễm không khí những ngày gần đây tại khu vực Nhà máy Xử lý rác thải TP. Cà Mau, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xã An Xuyên và phường Tân Xuyên, ông Trịnh Văn Lên cho biết là do nhà máy gặp trục trặc trong hoạt động, dẫn đến lượng rác tồn đọng nhiều.

“Chúng tôi đã tiến hành khảo sát tình hình, thấy rằng lượng rác tập kết về đây khá lớn. Đã làm việc với cơ sở, buộc cam kết khắc phục, không để rò rỉ nước thải, gây mùi hôi trong thời gian tới. Đang tính tới khả năng chôn lấp rác thải, nhằm giảm lượng rác tập kết về ngày càng nhiều mà khả năng xử lý chưa đáp ứng yêu cầu”, ông Lên trần tình vấn đề.

Việc ô nhiễm nguồn nước trên sông, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, nhất là tại TP. Cà Mau và sông Gành Hào, Mương Điều, Lương Thế Trân, ông Lên cho biết ngành không thể khẳng định sẽ khắc phục triệt để tình hình, vì thực tế hạ tầng phục vụ cho vấn đề này chưa được đầu tư.

“Nói vậy không có nghĩa là chúng tôi vô trách nhiệm. Thời gian qua và tới đây, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình hình ô nhiễm, nhất là kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại Khu Công nghiệp Hòa Trung”, ông Lên cho biết.

Có dấu hiệu lách luật trong huy động vốn

Chất vấn về quản lý trật tự đô thị, đại biểu quan tâm đến việc khu dân cư tự phát, ông Dư Minh Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp là rất cao nên hình thành những khu dân cư tự phát, đây là nhu cầu thực tế, vì họ không đủ khả năng vào các khu nhà ở thương mại.

Quản lý nhà nước ở cơ sở chưa chặt nên thực trạng này đang khá phổ biến tại các đô thị. Tới đây, tỉnh sẽ thành lập tổ chuyên ngành để xử lý vấn đề này, trong đó sẽ khảo sát, phân loại việc hình thành các khu nhà ở tự phát để xử lý hài hòa, đảm bảo quyền lợi về nhà ở cho người thu nhập thấp.

Theo quy định, có dành phần đất xây dựng nhà ở thu nhập thấp trong các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên đây là phần kinh doanh lợi nhuận không cao, nên các nhà đầu tư thiếu quan tâm, hạ tầng không đảm bảo. Tin vui ông Hùng thông tin là hiện tại có 3 nhà đầu tư đang xúc tiến xây dựng nhà xã hội tại địa phương, tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp ở đô thị có nơi ở ổn định.

Về thực hiện đúng quy định pháp luật đối với các nhà đầu tư nhà ở thương mại, nhất là trong huy động vốn, phân lô bán nền khi chưa đảm bảo các điều kiện, ông Hùng nhận định một số nhà đầu tư đang có dấu hiệu cố tình lách luật, chúng tôi đang kiểm tra, tới đây sẽ thông tin đầy rủ, rộng rãi đến bà con cử tri.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những nội dung chất vấn, trả lời chất vấn và tranh luận tại hội trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *