Quan tâm đầu tư lưới điện phục vụ sản xuất

Ngành điện đầu tư lưới điện nhằm tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh.Ngành điện đầu tư lưới điện nhằm tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh.

Anh Dương Hoàng Thám (ấp Mương Điều B, xã Tạ An Khương) nuôi tôm theo hình thức công nghiệp từ năm 2015. Đến năm 2018, anh chuyển sang nuôi 2 ao bạt, mỗi ao 1.200m2, do không đủ điện nên gia đình anh chỉ nuôi được 1 ao; mỗi năm, trừ chi phí, lãi 200 – 400 triệu đồng. Anh Thám cho biết: “Mặc dù đầu tư 2 ao nuôi trải bạt, nhưng do không đảm bảo về nguồn điện nên chỉ sản xuất 1 ao. Tuy nhiên, khi hoạt động 1 ao cũng không đủ công suất, phải thay nhau chạy quạt, không chạy được hết các quạt ôxy nên đôi lúc cũng gặp khó khăn”.

Đã có 5 năm kinh nghiệm trong nuôi tôm, ông Lê Phước Đại (ấp Mương Điều B) bắt đầu chuyển sang nuôi siêu thâm canh (STC) từ năm 2015, với 1 ao nuôi, diện tích 1.500m2. Từ đầu năm đến nay, ông thu hoạch 1 vụ, do giá tôm giảm nên huề vốn. Ông cũng đang thả tôm được 50 ngày, kích cỡ 200 con/kg. Tuy nhiên, nhiều lúc cao điểm, điện vẫn không đủ phục vụ cho việc chạy quạt.

Anh Phạm Tấn Kha (ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc) có hơn 10 năm kinh nghiệm trong NTCN, trước đây nuôi ao đất nhưng qua thời gian bị ô nhiễm, anh quyết định chuyển sang nuôi ao bạt từ năm 2018 đến nay. Hiện anh duy trì nuôi 2 ao bạt, mỗi ao 1.000m2, đầu năm đến nay anh thả 1 vụ, 600 ngàn con tôm giống, mật độ 200 con/m2. Anh tỉa thưa được 7 tấn, 41con/kg. Hiện còn trong ao khoảng 2 tấn, tôm hiện đạt 25 con/kg, giá 128 ngàn đồng/kg. Mỗi năm nuôi 2 vụ, sau khi trừ chi phí, lãi từ 300 đến 1 tỷ đồng. Nhưng vấn đề điện phục vụ cho nuôi tôm là điều mà anh trăn trở.

Từ năm 2015 đến nay, ngành Điện huyện Đầm Dơi đã đầu tư 67 tỷ đồng nâng cấp lưới điện để phục vụ nhu cầu nuôi tôm của người dân. Tuy nhiên, do diện tích NTCN tăng, đặc biệt là nuôi tôm STC sử dụng điện có công suất rất lớn, nằm rải rác khắp nơi, nên có những khu vực trước đây chưa nuôi tôm nên chưa nâng cấp hoặc những trạm đã nâng cấp rồi thì nay cũng bị quá tải. Hiện huyện có diện tích nuôi tôm thâm canh, STC hơn 2.200ha với 3.402 hộ nuôi. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh hơn 1.100ha/2.080 hộ, diện tích thả nuôi đạt 35%; diện tích nuôi tôm STC hơn 1.000ha/1.322 hộ, diện tích thả nuôi đạt 68%.

Do việc nuôi tôm thâm canh và STC có công suất sử dụng điện lớn, chỉ cần 1 hộ nuôi tôm đã chiếm từ 70% công suất trạm trở lên, do đó trạm biến áp và lưới điện hạ thế không đủ cung cấp cho loại hình nuôi này. Không những vậy, nhằm giúp cho người dân có điều kiện giảm chi phí trong sản xuất, nhất là trong nuôi STC, Điện lực Đầm Dơi đã tăng cường hỗ trợ cho người dân áp giá điện. Hiện trên địa bàn huyện có trên 3.885 hộ dân được áp giá điện. Theo đó, bình quân mỗi hộ nuôi tôm tiết kiệm được từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ngành Điện lực cũng thường xuyên kiểm tra các hộ nuôi tôm về cách sử dụng cũng như kéo điện để có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

“Ngành Điện đã quan tâm đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp cũng như xây dựng mới các tuyến đường điện trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân, nhất là nuôi tôm STC. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục xây dựng mới cũng như nâng cấp các tuyến điện để phục vụ nhu cầu của người dân tốt hơn”, ông Huỳnh Văn Để, Giám đốc Điện lực Đầm Dơi cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *