Quê lúa, tôm vươn mình mạnh mẽ!

1. Cuối tháng 4, tôi trở lại xã Trí Lực. Từ TP. Cà Mau đến xã Trí Lực khoảng 40km đường bộ, và có hai hướng đi. Tôi chọn đi tuyến Quốc lộ 63 qua các xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, Tân Phú, Trí Phải rồi mới đến Trí Lực, để tò mò so sánh. Hơn một giờ đồng hồ, tôi đến cơ quan Đảng ủy, UBND xã. Ghi nhận đầu tiên là không khí làm việc của cán bộ, công chức xã rất khẩn trương, bởi đang thực hiện phòng, chống đại dịch COVID-19, mọi người đều đeo khẩu trang, ai vào việc ấy. Như đã hẹn, tôi vào làm việc với Bí thư Đảng ủy xã Dương Chúc Linh, và được cung cấp đầy đủ thông tin, nội dung cần thiết.

Đoàn viên, thanh niên và học sinh tham gia giáo dục truyền thống tại Phủ thờ Bác Hồ.

Ôn lại lịch sử quê hương, chúng tôi cùng đến “thọ giáo” cựu chiến binh giàu nhất, nhì xứ này, chú Trương Công Độ (Ba Độ) ở Ấp 9. Dẫn vào nhà chú là con đường rợp trúc hàng trăm mét, quanh nhà vuông tôm, vườn tược bao la, với 20ha đất sản xuất. Chú Ba năm nay đã ngoài 70 tuổi mà bàn về đề tài kháng chiến, chú vẫn sục sôi khí thế kể mồn một xuất xứ của từng vết thương trên người. Nhà chú Ba có 3 anh em đều lần lượt đi chiến đấu, người anh lớn là thương binh ở chiến trường miền Đông, chú Ba tham gia Tiểu đoàn 306, Quân khu 9; người em út hy sinh năm 1973 trong trận Lộ Vòng Cung – Cần Thơ. Chú Ba hồi nhớ: “Ngày xưa, khu vực này lau sậy ngập đầu, xung quanh toàn chốt đồn của địch, dân tản cư khắp nơi tìm kế mưu sinh. Hết chiến tranh, chỉ có chiếc ba lô và mấy bộ đồ lính, tôi về gầy dựng cuộc sống trên loang lổ vết bom đạn. Người dân cũng dần trở về, ai nấy quyết tâm lập dựng cuộc sống mới, với niềm tin vào đường hướng của Đảng, của Bác Hồ”.

Chuyện xây cất nơi thờ tự Bác ngay trong thời bom đạn ác liệt đã minh chứng cho lòng dân xứ này đối với Bác Hồ kính yêu. Ở khu vực này là vùng đất lung trũng, lau sậy, bom đạn nhiều nên việc để có một nền đất dựng phủ thờ không phải dễ dàng. Do phải vừa làm vừa tránh sự càn quét của địch nên đến cuối năm 1974 mới hoàn thành phủ thờ bằng lá, cây gỗ đơn sơ nhưng đây là nơi bà con nhân dân địa phương tưởng nhớ Bác, tỏ lòng thành kính, lúc nào hương khói cũng nghi ngút để Bác được ấm lòng. Qua nhiều lần được trùng tu, đến năm 2010, phủ thờ tiếp tục được sửa lại khang trang như ngày nay. Từ khi có Phủ thờ Bác mà Ấp 6, xã Trí Phải được đổi thành ấp Phủ Thờ (nay là xã Trí Lực) và đây cũng là nơi xuất xứ của cây vú sữa miền Nam mà má Lê Thị Sảnh gửi tặng Bác Hồ năm 1954.

Và sau đó, chuyện lập bàn thờ Bác ở nơi trang trọng trong nhà dần trở nên hiển nhiên với người dân xứ này, với tâm niệm mộc mạc: Bác Hồ là đấng tái sinh. Ông Ung Văn Biếu, ở ấp Phủ Thờ, có hơn 20 năm thờ ảnh Bác tại nhà, chia sẻ: “Tôi tâm niệm, cha mẹ là người cho mình hình hài, còn Bác Hồ là người mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay. Vì thế, cùng bàn thờ tổ tiên, gia đình tôi lập bàn thờ Bác trang trọng trong nhà, để tưởng nhớ ơn Người và tự soi rọi bản thân sống sao cho xứng đáng, đồng thời giáo dục con cháu phấn đấu học tập, góp sức cho quê hương”.

2. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xã Trí Lực gắn với các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững… Đồng thời chọn nội dung đột phá: Đề cao trách nhiệm, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên; rèn luyện nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức, lối sống trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều năm liền Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh, xứng đáng với truyền thống anh dũng của quê hương.

Bí thư Đảng ủy xã Dương Chúc Linh cùng các thành viên HTX Lúa – tôm Trí Lực bàn hướng đưa sản phẩm gạo hữu cơ ra thị trường.

Trước khi nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã, Dương Chúc Linh là Chánh Văn phòng UBND huyện. Linh là cán bộ nữ, trẻ, có năng lực và được đào tạo bài bản. Năm 2014, Linh bảo vệ xong Thạc sĩ Chính trị học sau 2 năm tập trung tại Hà Nội, khi chỉ 29 tuổi. Hiện Linh theo học lớp Đại học Luật liên kết với Đại học Cần Thơ. Tôi bất ngờ hỏi: “Sao lại học ngược vậy?”. Linh cười: “Học hoài vẫn thấy chưa đủ bạn ơi, nếu lâu không học hành gì, tôi thấy mình bị lạc hậu”. Linh nói ít làm nhiều, bao năm công tác đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm vừa rồi Linh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Linh mới về nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã hơn 9 tháng, song đã nhận thấy được mặt mạnh, yếu trong xây dựng Đảng cũng như phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Nói về công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nữ Bí thư Đảng ủy xã nói chắc nịch: “Nếu cái hay, cái giỏi chỉ ở từng cá nhân thì không bao giờ có được sự phát triển toàn vẹn, phải đoàn kết, đồng lòng trong Đảng bộ và cả trong nhân dân thì mới tạo được sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn”.

Xã Trí Lực là một trong 4 xã điểm của tỉnh, về đích NTM năm 2015. Với sự quyết tâm trong chỉ đạo nâng chất xã NTM, qua hơn 5 năm công nhận, Trí Lực được đánh giá là một trong các xã đạt được “nhiều cái nhất” trong huyện. Đó là xã có nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế nhất, xã có hệ thống giao thông nông thôn hoàn thiện nhất, địa phương có nhà ở dân cư với cổng rào xây dựng bằng bê-tông nhiều nhất và là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, với 1,6% hộ nghèo.

Đã có những khởi sắc đáng vui mừng, song chặng đường nâng chất từng tiêu chí, hướng đến đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thật không hề dễ dàng. Quyết tâm chính trị của Đảng bộ trong suốt hành trình phát triển là làm sao nâng cao mức thu nhập cho người dân, Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh.

3. Ngẫm, tôi cũng lắm duyên với Trí Lực. Gia đình tôi có thời gian hơn 10 năm sinh sống ở Trí Phải, đến năm 2006, khi xã chia tách thành Trí Phải và Trí Lực, gia đình tôi định cư nơi khác. Không lâu sau, tôi lập gia đình riêng, quê chồng ở xã Trí Lực! Đôi tháng tôi về nơi đây một lần, cũng biết đôi điều về vùng đất và con người xứ này.

Trí Lực gắn liền với các tên kinh từ Kinh 1 theo thứ tự đến Kinh 11. Cứ cách nhau 500m là có một con kinh, dân cư sống dọc theo hai bên bờ bao đời không ngừng vun bồi tình làng nghĩa xóm, cùng làm ăn phát triển kinh tế. Việc chuyển dịch từ cây mía sang lúa – tôm, các mô hình cây trồng, vật nuôi khác bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, với việc sản xuất theo chuỗi liên kết thì sản phẩm làm ra của nhà nông không còn bấp bênh như trước đây. 

Đi dọc theo tuyến Kinh 10 (Ấp 5), qua những dãy nhà tường, cảnh quan sạch đẹp, chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) Lúa – tôm Trí Lực. Tiếp chuyện chúng tôi là Giám đốc Lê Văn Mưa. Anh cho biết, HTX được thành lập từ năm 2018, có 16 thành viên. HTX liên kết với Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương – An Giang thực hiện quy trình sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ, với giống lúa ST24, tổng diện tích 20ha, được bao tiêu sản phẩm hoàn toàn. Vụ mùa năm 2019, HTX bán hơn 5.000 tấn lúa, giá từ 7.100 – 7.800 đồng/kg. Điều đáng khích lệ là mỗi hộ sau khi bán lúa, giữ lại một tấn, gom đem chà gạo, đóng gói, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Trí Lực và đã chào hàng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Cà Mau… được khách hàng ưa chuộng, đã bán ra hơn 2 tấn gạo.

Cùng với cây lúa, con tôm, cua truyền thống, nông dân nơi đây đã năng động, biết khai thác hợp lý lợi thế về thời tiết, điều kiện đất đai… bố trí mùa vụ cho từng đối tượng nuôi trồng một cách hài hòa. Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh vụ lúa đã mang lại hiệu quả nhiều năm nay và có tính bền vững cao; năm 2015, diện tích nuôi 320ha thì đến năm 2019 tăng lên 2.335ha, dự báo tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Trung cho biết: “Trí Lực có nhiều chuyển biến tích cực trên lĩnh vực kinh tế, đó là sản xuất theo chuỗi liên kết. Xã kết hợp với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái trên địa bàn 5/5 ấp, diện tích 1.000ha, có 900 hộ tham gia. HTX Lúa – tôm Trí Lực và HTX Dịch vụ nông nghiệp – thủy sản Đoàn Phát hoạt động bài bản, là điều kiện thuận lợi để xã đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng vào năm 2020.

Cảm nhận về sự đổi thay của quê hương, những người cố cựu xứ này như chú Ba Độ là hiểu hơn ai hết. “Không so đâu xa, so gì nhiều, chỉ từ sau khi chia tách xã, nơi đây còn là vùng quê nghèo, đường sá ngổn ngang, vậy mà nay khắp các tuyến kinh đều được bê-tông hóa đến tận ngõ từng nhà, diện mạo xóm làng thay đổi đến khó ngờ. Đích đến NTM nâng cao sẽ không còn xa, khi quê này có những lãnh đạo trẻ, năng động, chịu lắng nghe điều hay, lẽ phải…”, cựu chiến binh Trương Công Độ tin tưởng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *