Quỹ Hỗ trợ nông dân – cầu nối giảm nghèo

Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần trợ lực cho nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện, ông Đỗ Minh Hiển: “Để nguồn vốn Quỹ HTND được đảm bảo, Hội tích cực tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư “Về nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020”, Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020”, trong đó chú trọng nội dung xây dựng, phát triển Quỹ HTND. Nhờ vậy, trong những năm qua, hoạt động Quỹ HTND của huyện có sự phát triển đáng kể”. 

Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương, tỉnh, vốn ngân sách huyện và vận động trong hội viên hơn 8 tỷ đồng, Hội Nông dân huyện thành lập và giải ngân được 29 dự án chăn nuôi heo, nuôi cá, lúa – cá kết hợp trồng cây ăn trái, trồng màu ở các xã, thị trấn, cho 542 hộ vay, bình quân từ 20 – 30 triệu đồng/hộ. Từ đó góp phần giải quyết cho gần 1.000 lao động nông thôn có việc làm ổn định. 

Với số tiền 20 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND vào năm 2015, ông Lê Văn An (Ấp 13, xã Khánh Lâm) cải tạo đất, thực hiện mô hình kết hợp nuôi cá nước ngọt và trồng màu, cây ăn trái: Cam, bưởi. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng, từ đó cuộc sống gia đình ngày càng phát triển, đồng thời hoàn trả vốn vay, được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện 3 năm liền.

Nguồn vốn Quỹ HTND cũng đã trợ lực cho rất nhiều hộ nông dân khác cải thiện đời sống, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chủ tịch UBND huyện U Minh, ông Dư Bé Ba (thứ 2 từ phải sang) tham quan mô hình đa con của ông Lê Văn An (Ấp 13, xã Khánh Lâm).

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, hàng tháng, Hội Nông dân huyện phân công cán bộ đến kiểm tra việc phát triển mô hình của hội viên, đồng thời tư vấn hướng dẫn hội viên thực hiện các phương thức canh tác khoa học áp dụng đối với cây trồng, vật nuôi. Từ đầu năm 2015 đến nay, đã phối hợp với ngành chức năng tập huấn 68 lớp chuyển giao khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cho trên 2.600 lượt hội viên. Bên cạnh đó, Hội nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện số tiền 93,7 tỷ đồng, thông qua 93 tổ vay vốn cho 4.222 hộ vay. Trong quá trình cho vay, Hội luôn chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho bà con thực hiện tốt mô hình. “Cùng với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội còn tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp với phương thức trả chậm, để giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, sử dụng hiệu quả nguồn vốn”, ông Hiển cho biết.

Thông qua các dự án, đến nay, huyện U Minh thành lập được 33 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã. Nhìn chung, các tổ hợp tác, hợp tác xã bước đầu hoạt động đạt hiệu quả nhờ xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, nguồn vốn được đầu tư kịp thời, các tổ viên có tinh thần học hỏi, đoàn kết, có sự chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sản xuất, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,69% năm 2016 đến nay còn 7,65%.

Quỹ HTND đã thực sự góp phần hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân trên địa bàn huyện giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao quy mô sản xuất. Các hộ được vay vốn trở thành những nhân tố hăng hái đi đầu tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *