Quy hoạch và quản lý đất đai, cảnh quan đô thị: Những bất ổn và chậm khắc phục!

Tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, đoạn từ Cống Đôi đến Cái Nhum được xây dựng thu hẹp lại so với dự kiến ban đầu. Hiện trạng phần đất sau khi xây dựng thu hẹp tuyến đường dôi dư ra là kênh thủy lợi rộng khoảng 20m, các hộ dân trong khu vực sử dụng con kênh này phục vụ cấp thoát nước cho nuôi trồng thủy sản. Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của UBND TP. Cà Mau được UBND tỉnh phê duyệt, mục đích sử dụng đất đối với phần đất này là đất thủy lợi.

Khi đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhiều hộ đã tiến hành rao bán đất, khả năng sẽ gây nên những bất ổn, khó giải quyết sau này.

Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về đất đai

Sau khi tuyến đường được xây dựng, UBND TP. Cà Mau lại tự ý cấp 8 GCNQSDĐ cho 6 hộ gia đình và cá nhân sử dụng phần đất dọc theo tuyến đường này, từ đất nông nghiệp sang đất ở và đã thu tiền sử dụng đất đối với những hộ này. Tuy nhiên, khi địa phương chưa điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị theo quy định tại Điều 51 – Luật Quy hoạch đô thị, nên chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để chuyển mục đích sử dụng đất.

Được biết, khi người dân có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, đồng thời đăng ký xin mua phần đất phát sinh sau khi thu hẹp lộ giới, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Cà Mau tiến hành đo đạc phần đất phát sinh sau thu hẹp lộ giới, chuyển thông tin đến Chi cục Thuế thành phố thu tiền sử dụng đất. Và khi các hộ gia đình, cá nhân nộp tiền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP. Cà Mau cấp GCNQSDĐ cho những hộ gia đình và cá nhân trên.

Con kênh rộng trên 20m, thuộc quyền quản lý của Nhà nước, “bị” TP. Cà Mau tự ý bán đất cho 6 hộ dân, thu về chỉ hơn 2 tỷ đồng.

Theo quy trình này cho thấy, UBND TP. Cà Mau đã không ban hành quyết định giao đất ở có thu tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng phần diện tích đất Nhà nước đang quản lý nằm ngoài chỉ giới đường đỏ (phần phát sinh khi thu hẹp lộ giới) để làm căn cứ pháp lý cho hộ gia đình, cá nhân nộp tiền sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ; không xem xét đối tượng được giao, hạn mức giao đất theo quy định của pháp luật về giao đất cho hộ gia đình, cá nhân. Những điều này là thực hiện không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Sự việc được phát giác khi có trường hợp được cấp GCNQSDĐ do Nhà nước quản lý tại khu vực này lên đến trên 1.700m2, gây bức xúc dư luận.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều hộ đã tiến hành cắm cọc làm kè để san lấp nền, ngăn chiếm cả lòng sông vốn là dòng chính dẫn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên vùng rộng lớn.

Sử dụng nguồn thu sai Luật Ngân sách

Những sai phạm tượng tự như trên còn diễn ra tại phần diện tích đất do thu hẹp trên các tuyến đường ở địa bàn TP. Cà Mau: Quốc lộ 1A (địa bàn xã Định Bình), Nguyễn Tất Thành (xã Lý Văn Lâm), Ngô Quyền (Phường 1), Nguyễn Trãi (Phường 9) và Quản lộ Phụng Hiệp (phường Tân Thành), ngoại trừ đoạn từ Vành Đai 2 đến cầu Cái Nhúc và cách cầu Cái Nhúc 500m vì đã được UBND tỉnh cho phép chuyển tại Công văn số 3964/2015 với 60m tính từ chỉ giới đường đỏ. Tất cả có đến 129 GCNQSDĐ đã được UBND TP. Cà Mau cấp cho các hộ gia đình, cá nhân phần diện tích đất nhà nước đang quản lý chưa chuyển mục đích sử dụng đất.

Như đã đề cập phần trên, do UBND TP. Cà Mau không ban hành quyết định giao đất nên việc thu tiền sử dụng đất tại Chi cục Thuế được xác lập theo trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, nên số tiền phải nộp thấp hơn phần đất đáng lý ra là Nhà nước giao đất ở có thu tiền sử dụng đất, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Sai phạm tiếp tục sai phạm khi từ nguồn thu này, thành phố lại bổ sung vào nguồn thu ngân sách để sử dụng nâng cấp, sửa chữa đường, lộ, hẻm xuống cấp hoặc đầu tư một số công trình xây dựng ở nông thôn.

Được biết, trước đây những diện tích đất này được tỉnh chi trả bồi hoàn, giải phóng mặt bằng, nguồn được trích từ ngân sách nhà nước thuộc danh mục thực hiện các công trình, dự án giao thông. Việc sử dụng nguồn thu như trên của TP. Cà Mau là sai Luật Ngân sách nhà nước.

Trước những sai phạm trên, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Cà Mau, Cục Thuế tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi cục Thuế TP. Cà Mau) và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giao đất, cấp GCNQSDĐ, thu tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng phần đất do thu hẹp lộ giới tại các tuyến đường nêu trên; đồng thời khắc phục những hậu quả…

Theo tìm hiểu của phóng viên, không phải chỉ có 6 hộ gia đình và cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, mà còn nhiều hơn thế. Việc chính quyền địa phương tự ý cấp đất thuộc quyền sử dụng của nhà nước sau bồi hoàn, giải phóng mặt bằng không chỉ có ở những tuyến đường nêu trên mà còn ở nhiều tuyến đường khác trong tỉnh. Nhiều nơi, khi Nhà nước thu hồi, lại không điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người được bồi hoàn, giải phóng mặt bằng, từ đó dẫn đến nhiều tranh chấp, mua bán khá phức tạp, vi phạm hành lang lộ giới, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, nhất là khi tiến hành mở rộng lộ giới, hành lang an toàn giao thông…

Bài 1: Thiếu tiềm lực, nhiều dự án đô thị… treo tận “ngọn”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *