Quyết liệt những chỉ tiêu còn lại của năm dưới “tác động kép”

Ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Từ đầu năm đến ngày 13/5, tỉnh có 165 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với tổng vốn đăng ký mới 782,8 tỷ đồng. Thu hút 6 dự án đầu tư mới với tổng vốn 3.394,6 tỷ đồng. Dự báo tổng lượt khách du lịch năm 2020 đạt 1.285.420 lượt, bằng 69% kế hoạch, giảm 24,19% so với cùng kỳ. Tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp kết nối vùng để tạo sự đột phá ngành Du lịch đến cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh có 263 DN ngưng, nghỉ kinh doanh và trên 100 DN giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực làm giảm thu ngân sách nhà nước. Theo nhận định và qua phân tích các điều kiện để vực dậy tiềm năng, lợi thế sau dịch COVID-19, khả năng cuối năm 2020 có thể có 7/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội không đạt: Xuất khẩu, tổng thu GDP, thu ngân sách, chi ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo, lao động và giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.

Về tỷ lệ giảm nghèo, đây là một trong những chỉ tiêu tỉnh nhận định có thể sẽ không đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra từ đầu năm. Thống kê của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 7.699 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,52% (giảm 1,52% so với năm 2018; nếu không tính số hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo là 2,32%). Năm 2020, năm cuối thực hiện giai đoạn chuẩn nghèo đa chiều, đa phần số hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại khó có khả năng thoát nghèo, cùng với lao động mất việc làm, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, giảm thu nhập… do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hạn hán.

10 giải pháp đã được vạch ra, cụ thể: Phục hồi và đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực của tỉnh; nhân rộng các mô hình sản xuất; chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất, chế biến và dịch vụ, nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi; quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính; tạo điều kiện và hỗ trợ DN phát triển, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cũng cần tập trung huy động các nguồn lực, quyết liệt công tác thu hút đầu tư, tập trung giải quyết các vướng mắc của các dự án đầu tư, triển khai nhanh các dự án đã có chủ trương đầu tư, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo, dự án quan trọng. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch; mời gọi đầu tư, triển khai xây dựng, nâng cấp, khai thác nhanh các tuyến, tour du lịch thế mạnh, tiềm năng của tỉnh; chú trọng liên kết vùng trong khai thác, phát triển du lịch. Triển khai nhanh các cơ chế, chính sách, các gói hỗ trợ, kích cầu của Trung ương, địa phương để DN, tổ chức, người dân kịp thời tiếp cận, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND tỉnh.

Về việc thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: Các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho 2.090 khách hàng (bao gồm cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, DN) với tổng số dư nợ trên 996 tỷ đồng. Riêng đối với các DN xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đã cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 8 DN với dư nợ trên 215 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 1 DN với dư nợ trên 45 tỷ đồng.

Các huyện: Đầm Dơi, Phú Tân, Ngọc Hiển gặp khó trong nuôi trồng thủy sản; giá tôm giảm mạnh; diện tích nuôi mới không đạt.

“Theo thống kê, huyện Trần Văn Thời bị ảnh hưởng do hạn hán là 55 tỷ đồng, đến nay tỉnh đã cho hỗ trợ 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Nhưng cái khó hiện nay là việc vận chuyển vật tư, huyện đang chờ nước lên mới khắc phục khó khăn này”, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Lê Phong chia sẻ.

Theo ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh: “Hiện nay, đầu ra cho chuối rất khó khăn; giá tràm và keo lai xuống sâu; huyện có 2 xã, 9 điểm sụt lún với kinh phí sửa chữa hơn 3 tỷ đồng; nguy cơ tái nghèo của địa phương là rất lớn”.

Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, ông Phan Hoàng Vũ kiến nghị: “Trong quá trình xúc tiến thương mại, ngành chuyên môn tỉnh cần quan tâm thêm đối tượng là cá chình và cá bống tượng; hiện nay giá cá giảm mạnh”.

Nhiều địa phương có chung cái khó lớn, có khả năng cao là chỉ tiêu giảm nghèo và xuất khẩu lao động chắc chắn sẽ không đạt. Hiện ngành Du lịch của các địa phương đã mở cửa tối đa, thế nhưng vẫn chưa thu hút được khách du lịch. Đối với tình trạng khó khăn trong xuất khẩu thủy sản, lượng hàng đầy kho nhưng không xuất được, nhiều đại biểu mong muốn ngành Nông nghiệp và ngành Công thương cần có giải pháp kích cầu thị trường nội địa.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Cà Mau 5 năm (2016 – 2020). Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã giao chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 7% so với năm 2019. Đây là “tác động kép” do dịch bệnh COVID-19 và tình trạng sụt lún làm cho tăng trưởng GRDP năm 2020 của tỉnh khó có khả năng đạt như mục tiêu đã đề ra. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để hướng dẫn người dân triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp, ứng phó với thiên tai; chuẩn bị phương án đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Đẩy nhanh tái đàn, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, không để tái phát dịch tả heo châu Phi. Khẩn trương hoàn thành việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp, nhằm hạn chế phát sinh hư hỏng lớn và đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân. Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn các tuyến đê và các công trình thủy lợi khác. Quản lý, khai thác các nguồn thu ngân sách theo kế hoạch, xây dựng các phương án bảo đảm hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, nhất là các công trình hạ tầng phục vụ phòng, chống thiên tai, các dự án lớn, quan trọng, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ trong thực hiện kế hoạch đầu tư công gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *