Quyết tâm bảo vệ từng cánh rừng

Từ khi bước vào thời điểm mùa khô gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Mỗi ngày, cứ vào giờ cao điểm nắng nóng, từ 11 đến 15 giờ, lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Trần Văn Thời lại thay phiên nhau kiểm tra công tác trực chòi quan sát, canh giữ rừng của bà con ở các ấp có rừng.

Kiểm tra công tác PCCCR của bà con ở Ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, anh Phạm Minh Sang, Tổ trưởng Tổ Kiểm lâm cơ động – Hạt Kiểm lâm huyện, cho biết: “Để đảm bảo những cánh rừng được an toàn, hàng ngày, đơn vị đều cử lực lượng kiểm tra việc canh giữ rừng của bà con ở các ấp có rừng trên địa bàn huyện: Việc chấp hành canh giữ trực chòi quan sát có đảm bảo số lượng, kiểm tra hoạt động của máy móc cũng như tuyên truyền về công tác PCCCR. Điều đáng mừng là ý thức bảo vệ rừng của người dân ở địa phương nhiều năm nay được nâng cao”.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, mặc dù gia đình hiện đang sinh sống ở Ấp 1, nhưng để bảo vệ diện tích rừng của gia đình, của bà con, ông Dương Văn Lâm sẵn sàng chấp hành đúng lịch trực canh giữ rừng cùng với người dân ở Ấp 2 theo quy định. Ông Lâm cho biết: “Đối với bà con xứ rừng, rừng là tài sản quý giá. Tuy không ở chung ấp, tới phiên trực, mỗi ngày phải chạy tới chạy lui khá vất vả nhưng vì lợi ích của mình, của mọi người, mình phải tham gia bảo vệ rừng cùng với bà con. Cũng tiện là ở ấp tạo điều kiện cho mình trực dễ dàng hơn: Theo quy định, mỗi người trực 4 ngày, nếu bà con ở ấp thì xoay vòng lẫn nhau, còn mình ở ấp khác thì chính quyền địa phương tạo điều kiện trực liên tiếp để xong nhiệm vụ”.

Lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Trần Văn Thời thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của bà con. (Ảnh chụp tại Ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).

Chị Võ Thị Điền (Ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc) cho biết: “Hôm nay chồng tôi bận cùng với bà con kè lại đoạn lộ bị sạt lở. Ngay tới đợt gia đình trực canh giữ rừng nên tôi đến trực thay. Trời nắng nóng nhưng có chòi đàng hoàng, có võng nằm, có nước uống nên cũng không vất vả lắm. Chỉ mong sao rừng được bảo vệ an toàn”.

Anh Phạm Minh Chiều, Trưởng ban Nhân dân Ấp 2, cho biết: “Từ đầu tháng 2 đến nay, mỗi ngày ở ấp có 4 người trực chòi quan sát. Bắt đầu từ 7 đến 18 giờ. Trong lúc trực, cách nửa tiếng, một người sẽ leo lên thang trông để quan sát tình hình rừng như thế nào. Cứ thế, thay phiên nhau trực cho đến khi qua mùa khô”.

Huyện Trần Văn Thời có hơn 11.937ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích có rừng hơn 7.761ha, với 80% diện tích rừng trồng. Theo báo cáo, đến ngày 18/2, toàn huyện có 6.945ha rừng dự báo cháy cấp II – V. Trong đó, có 1.930ha rừng đang dự báo cháy cấp IV và 564ha rừng dự báo cháy cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm.

Là một trong 2 xã có diện tích giao khoán đất rừng, ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết: “Trên địa bàn xã có hơn 564ha có rừng, hiện đang dự báo cháy cấp V. Toàn địa bàn lâm phần đã khô cạn. Còn về phương pháp ứng phó trước tình trạng mực nước trên các kênh, rạch cạn kiệt, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, đồng thời chỉ đạo cho cán bộ ở ấp vận động người dân, mỗi hộ gia đình xây dựng phương án bảo vệ rừng. Trước dự báo tình hình khô hạn có thể kéo dài, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện theo kế hoạch phương án đã được phê duyệt, trong đó nâng cao ý thức người dân bảo vệ rừng, phát huy tinh thần của cộng đồng, chung tay bảo vệ rừng. Giả sử có tình huống cháy xảy ra, thực hiện theo giải pháp đề ra, trong đó chủ yếu là phương pháp thủ công, khống chế không cho đám cháy lan rộng. Hiện nay, ngay vào thời điểm bà con cải tạo đất để chuẩn bị vụ lúa mới, UBND xã tuyên truyền người dân có đốt đồng phải thông báo với ấp, với xã, tạo điều kiện cho người dân đốt đồng vào buổi chiều, tối, với sự giám sát của lực lượng PCCCR của ấp, xã, đồng thời đưa máy móc vào để đề phòng”.

Theo dự báo của ngành chuyên môn, hạn hán có thể tiếp tục kéo dài vài tháng nữa, theo đó càng về sau, nguy cơ xảy ra cháy rừng càng cao. Các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân càng cần nỗ lực từng ngày. Mong rằng, những cánh rừng tràm xanh ngát sẽ an toàn qua mùa khô hạn, đem lại cuộc sống bình yên cho bà con xứ rừng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *