Rừng – màu, mô hình bền vững cho người dân trên đất lâm phần

Rừng – màu, mô hình đang có hướng đi bền vững.

Những năm gần đây, đời sống của người dân dưới tán rừng ngày càng khởi sắc, nhiều gia đình sắm sửa được những vật dụng tiện nghi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Đó là nhờ bà con biết khai thác lợi thế đất lâm nghiệp vào mục đích trồng rừng nguyên liệu, đồng thời tận dụng mặt đất dưới tán rừng để trồng xen canh hoa màu.

Bà Nguyễn Thị Sương (Ấp 11, xã Khánh Thuận) thoát nghèo nhờ mô hình trồng màu trên bờ bao đất lâm phần.

Những cơn mưa đầu mùa làm cho nông dân trồng hoa màu nơi xứ rừng phấn khởi. Anh Đào Văn Sơn (Ấp 12, xã Khánh Lâm): “Mùa nắng thì vừa canh rừng vừa trồng màu, mùa mưa thì “dễ thở” hơn nhiều. Mùa mưa năm nay đến sớm hơn mọi năm nên việc trồng màu cũng thuận lợi hơn”. Gia đình anh Sơn có hơn 3ha đất sản xuất, lên liếp trồng tràm hơn 1ha, diện tích còn lại chuyên trồng hoa màu quanh năm và thực hiện mô hình này đã 4 năm nay. Trồng chủ yếu là dưa leo, khổ qua, đậu đũa… anh Sơn nhẩm tính: “Trừ hết chi phí, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/vụ trồng màu. Mỗi năm gia đình tôi làm được 5 đến 6 vụ, thu nhập trên 100 triệu đồng. Tính ra, lợi nhuận từ trồng màu gấp 2 – 3 lần trồng lúa”.

Dưới tán rừng, hộ anh Đào Văn Sơn trồng nhiều loại hoa màu để tăng thu nhập, nhằm lấy ngắn nuôi dài.

Để có vụ mùa trên đất rừng thành công, những hộ trồng màu chia sẻ kinh nghiệm: Trước khi xuống giống, khâu quan trọng là cải tạo đất, cần thiết kế hệ thống cấp nước và thoát nước cho phù hợp với từng loại cây trồng. Ngoài ra cũng cần cải tạo lớp đất mặt cho phù hợp với từng loại rau màu, đặc biệt là vùng đất phèn, cần phải bón vôi để tăng độ pH của đất.

Thấy được hiệu quả từ việc trồng màu dưới tán rừng, người dân nơi đây cùng nhau tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa để bán ra thị trường với số lượng lớn. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ hoa màu sạch rất ổn định, do đó đã đem lại nguồn thu nhập khá cho hầu hết các hộ gia đình. Ông Nguyễn Kiến Chúc, Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, cho biết: “Từ khi triển khai Nghị quyết 07 của Huyện ủy, người dân nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn xã có hơn 50ha đất được bà con thực hiện mô hình trồng màu. Đây là giải pháp tốt cho sinh kế bền vững của bà con trên đất lâm phần. Có nhiều hộ thoát nghèo nhờ mô hình này”.

Trên địa bàn xã hiện có 3 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác đang hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi để người sản xuất đảm bảo đầu ra, sản phẩm không bị ép giá, từng bước thực hiện tốt việc liên kết “4 nhà”.

Xuất phát từ lợi ích trên nên những năm gần đây, huyện U Minh đã có chủ trương nhân rộng diện tích trồng màu dưới tán rừng, tận dụng nhiều nguồn vốn, con giống hỗ trợ người dân. Ông Trần Công Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận: “Thời gian qua, mô hình trồng màu được nhân rộng tại xã, tập trung ở Ấp 11 và Ấp 12, đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Hiện có hơn 43ha trồng màu của 93 hộ”.

Trồng màu dưới tán rừng đã thật sự mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình. Điều này cho thấy, nếu biết khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương vào phát triển sản xuất hợp lý, chắc chắn cái nghèo, cái khó cũng sớm được đẩy lùi, đời sống người dân sẽ nâng lên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *