Sà lan trong vụ sập cầu Cái Trăng từng bị lập biên bản xử lý vì chở quá tải

Chiếc sà lan bị mắc kẹt lại sau khi cầu Cái Trăng bị sập.

Như chúng tôi đã thông tin vào lúc 8 giờ ngày 13/1, chiếc sà lan mang số hiệu CM 23922 đang neo đậu cách cầu Cái Trăng khoảng 200m, bất ngờ bị đứt dây, trôi theo dòng nước đang chảy xiết, va chạm làm trụ và nhịp giữa của cầu đổ sụp.

Tai nạn xảy ra làm 4 người đang lưu thông trên cầu bị thương, trong đó có hai trẻ em bị thương nặng.

Các nạn nhân được xác định gồm: Trịnh Nguyễn Anh Khoa (30 tuổi); bà Nguyễn Thị Mai (61 tuổi) và hai cháu nội: Ngô Thanh Thúy (10 tuổi), Ngô Thái Hòa (5 tuổi), cùng ngụ tại Ấp 4, xã Hàng Vịnh.

Hiện cháu Thúy và cháu Hòa đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), điều trị, với chẩn đoán đa chấn thương, theo dõi chấn thương sọ não.

Còn bà Mai bị thương nhẹ, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Anh Khoa thì đang nằm Bệnh viện Đa khoa khu vực Năm Căn.

Một người dân địa phương cho biết, lúc xảy ra tai nạn, chiếc sà lan gần như mất kiểm soát, tài công có nổ máy để “lội ngược dòng” nhưng “lực bất tòng tâm”.

Sau sự việc trên, nhiều người cho rằng cầu Cái Trăng sập một phần là do sà lan chở quá tải trọng cho phép. Vì quá tải, khi gặp tình huống bất ngờ, tài công không thể kiểm soát được.
Theo nguồn tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, chiếc sà lan gây tai nạn trước đó đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông thủy tỉnh An Giang lập biên bản xử lý vì chở quá vạch dấu mớn nước an toàn.

Cũng theo cơ quan này, sắp tới đây, trong quá trình xác minh làm rõ, ngoài tải trọng, cơ quan chức năng sẽ xem xét tới một số dấu hiệu có liên quan: Tuyến sông này sà lan trọng tải lớn có được lưu thông hay không, việc neo đậu có đúng quy định hay không…

Thời gian gần đây, tình trạng các phương tiện thủy, đặc biệt là sà lan quá khổ, quá tải, vi phạm nghiêm trọng những quy định khi tham gia lưu thông trên các tuyến sông có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói là mọi hoạt động này gần như công khai.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, thực tế việc xử lý phương tiện thủy chở hàng quá tải có nhiều khó khăn, vướng mắc: Không có cơ sở pháp lý để thực hiện hạ tải, không có hướng dẫn thực hiện việc hạ tải, bến bãi, vị trí tập kết hạ tải, phương tiện hạ tải, việc tạm giữ phương tiện quá tải…

Đối với hành vi chở hàng quá tải hiện nay vẫn dừng ở việc xử phạt vi phạm hành chính rồi tiếp tục cho lưu thông mà không thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hạ tải đến vạch dấu mớn nước an toàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *