“Sân chơi lành” cho sản phẩm tiền OCOP Bài 2: Phụ nữ làm OCOP từ sản vật quê hương

Chú trọng yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm

Từ phong trào thi đua phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong toàn tỉnh, nhiều chị em hội viên đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Việc làm này vừa góp phần quảng bá hình ảnh đặc sản đặc trưng của vùng đất mũi Cà Mau, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của những phụ nữ lành nghề, cùng với cái tâm trong từng sản phẩm, cộng với việc đặt chữ “tín” là tiêu chí hàng đầu, sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Bánh phồng tôm Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Chị Trần Thị Trang, Giám đốc HTX, cho biết: “Quan tâm hàng đầu của chị em trong quá trình sản xuất là việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi yếu tố này không chỉ vì sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn quyết định sự thành hay bại của một thương hiệu”.

Đặt an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, chị Bùi Hồng Thúy (Khóm 7, Phường 8, TP. Cà Mau) đã xây dựng thương hiệu riêng, khởi nghiệp thành công từ hạt gạo lứt và mè đen. Gần đây, ở bất cứ hội chợ nào trong và ngoài tỉnh, mọi người đều thấy người phụ nữ điển hình trong công tác khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh này tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm do mình làm ra.

Năm 2014, từ việc uống bột gạo lứt, mè đen để trị khỏi bệnh, chị Thúy làm thêm để trao tặng cho người cùng chứng bệnh với mình làm thuốc trị bệnh. Từ đó, mọi người khuyến khích làm thêm nhiều. Nhờ nguồn vốn khởi nghiệp, chị tìm tòi thêm, đầu tư máy nghiền, máy rung và máy đóng nắp keo đựng bột sau khi xay thành phẩm, để sản phẩm bắt mắt hơn. Đến nay, chị Thúy đã tạo được 3 loại, đó là gạo lứt mè đen, đậu đen xanh lòng và bột 5 loại đậu, với giá bán 50.000 đồng/keo, mỗi ngày gia đình chị bán được hàng trăm keo. Tiếng lành đồn xa, đến nay nhiều người biết đến thương hiệu và là khách hàng thường xuyên của chị Thúy.

An toàn thực phẩm là một nội dung quan trọng nằm trong chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam lựa chọn, chỉ đạo thực hiện từ năm 2019 đến nay, được các cấp Hội LHPN trong tỉnh tuyên truyền rộng khắp để hội viên phụ nữ trở thành người tiên phong trong chuyển đổi hành vi thực hiện an toàn thực phẩm, không sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn; vận động mọi người có trách nhiệm vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hòa nhập cùng dòng chảy kinh tế thị trường, phụ nữ Cà Mau hôm nay đã và đang tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm do mình làm ra, với tiêu chí: Sạch, an toàn, mang hương vị riêng của vùng miền, để quảng bá hình ảnh đặc trưng vùng sông nước Cà Mau đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.             

Mạnh dạn khởi nghiệp

Những năm gần đây, bồn bồn được phụ nữ Cà Mau mở rộng trồng chuyên canh, đã góp phần nâng cao đáng kể thu nhập. Đặc biệt, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm bồn bồn Cà Mau dần khẳng định giá trị và có đầu ra ổn định hơn. Năm 2016, HTX Bồn bồn Đông Hưng (ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) được thành lập. Từ đó đến nay, cây bồn bồn đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn cho người dân ấp Đông Hưng, cũng như giúp 26 xã viên của HTX làm ăn ngày một khấm khá nhờ vào việc xuất bán bồn bồn tươi và dưa bồn bồn. Với vai trò là Giám đốc HTX, chị Huỳnh Thị Nguyên rất nặng lòng với đứa con tinh thần này. Chính vì thế, những công đoạn nào liên quan đến chất lượng sản phẩm là chị Nguyên đều tự tay làm lấy. Chị Nguyên bộc bạch: “Phương châm hoạt động của HTX xã là lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu; từ việc có thương hiệu thì sản phẩm sẽ “sống” được trong thị trường cạnh tranh khốc liệt giữa đa dạng các sản phẩm, mặt hàng”.

Những năm gần đây, bồn bồn được phụ nữ Cà Mau mở rộng trồng chuyên canh, đã góp phần nâng cao đáng kể thu nhập.

Khánh Hội là một trong 2 xã có cửa biển của huyện U Minh. Ghe thuyền cập bến mang theo bao nhiêu là sản vật tươi ngon của biển. Cùng với mực, tôm, cá…, ruốc cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng của xứ này. Con ruốc thường được chế biến thành mắm, hoặc phơi khô. Nhưng ít ai biết rằng nước ủ ruốc còn có thể nấu thành nước mắm, nước mắm ruốc mang đậm vị mặn mòi của biển cả, ngon không lẫn vào đâu được. Chị Phan Hồng Thơ, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Hội, là một trong những người đang hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ bí quyết gia truyền về làm nước mắm từ con ruốc biển. Chị chia sẻ: “Nhận thấy lợi ích kinh tế từ con ruốc biển, một sản vật của quê hương Khánh Hội, bản thân đã mạnh dạn đầu tư và biến con ruốc biển trở thành đặc sản mang thương hiệu của địa phương và hướng xa hơn là vào “sân chơi” OCOP; giúp phụ nữ địa phương phát triển kinh tế gia đình”. Cách chế biến truyền thống bằng phương pháp thủ công của chị Thơ sẽ cho “ra lò” sản phẩm nước mắm ruốc thơm ngon, mà không chứa bất kỳ chất phụ gia nào nên đảm bảo an toàn; khi để lâu, nước mắm ruốc chỉ hơi sậm màu chứ mùi vị và chất lượng không đổi. Chị Thơ cho biết: “Tới đây, khi chất lượng đã khẳng định thì sẽ lo về hình thức, mẫu mã của sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Chưa dừng lại ở đó, gia đình sẽ mở rộng chế biến các mặt hàng: Khô mực, các loại khô từ cá biển của Khánh Hội… chia sẻ kinh nghiệm để nhiều chị em có cơ hội thoát nghèo từ các đặc sản quê hương”.

Hễ cứ đến mùa ruốc khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch là các cơ sở thu mua, chế biến ở thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) lại tạo việc làm cho lao động, đặc biệt là phụ nữ, mỗi ngày thu nhập từ 200 – 300 ngàn đồng/người từ công đoạn phân loại đến phơi ruốc. Đã qua, UBND huyện Phú Tân đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, thị trấn, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương… xây dựng thương hiệu cho con ruốc Cái Đôi Vàm (từ ruốc khô đến ruốc mắm). Nắm bắt xu hướng này, nhiều chị em phụ nữ xứ biển Cái Đôi Vàm đã mạnh dạn khởi nghiệp từ đặc sản này.   

Bắt đầu ngày mới, những chuyến biển mang đầy ắp ruốc tươi lại trở về, những cánh đồng bồn bồn xanh rì, những đồng ruộng vẫn nhiều cá tôm; trở thành sản phẩm giúp phụ nữ nông thôn thoát nghèo. Chính những “món quà” này đã tạo lòng tin, mang theo hy vọng cho nhiều phụ nữ vùng đất cực Nam Tổ quốc mạnh dạn khởi nghiệp từ sản vật quê hương.

Nặng lòng với quê hương nơi mình sinh ra, rồi phát triển kinh tế từ chính những sản vật đặc trưng của nơi chôn nhau cắt rốn, thành công đến từ sự dấn thân, dám nghĩ dám làm của những cá nhân điển hình ấy không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn góp phần lan tỏa phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang sôi động trong các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *