“Sân chơi lành” cho sản phẩm tiền OCOP

Kỳ 1: Người trẻ mê làm OCOP

Những nông dân, thanh niên, trí thức – được xác định là nhân tố chính trong Chương trình OCOP – đã, đang và sẽ dồn sức cho những sản phẩm tâm huyết.

Mong ước xây dựng thương hiệu đặc sản quê nhà

7 năm về sống chung nhà, cũng là ngần ấy thời gian vợ chồng trí thức trẻ Nguyễn Văn Miên và Trần Thị Xa ấp ủ và quyết định khởi nghiệp bằng những đặc sản của quê hương Đầm Dơi. Từ khi ý tưởng đó được hình thành và đưa vào thực hiện thì gia đình của đôi bạn trẻ ở ấp Cây Kè (xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi) trở thành điểm thu mua các mặt hàng thủy hải sản: Tôm, ba khía, cá, cua… Từ đó, sản phẩm nào cần phân phối ngay thì sẽ phân phối ngay, sản phẩm nào cần chế biến thì khẩn trương triển khai ngay sau đó. Một lợi thế nữa là nguồn tôm làm ra các sản phẩm là từ tôm tươi do cha của anh Miên đi mua từ trong xóm và các ấp lân cận, chính vì thế các sản phẩm làm ra luôn tươi ngon.

Với niềm tin mãnh liệt vào “thương hiệu” con ba khía Đầm Dơi, vợ chồng trí thức trẻ Nguyễn Văn Miên và Trần Thị Xa đã dần tiến gần hơn với sản phẩm OCOP.

Hiện mỗi tháng hai vợ chồng anh Miên làm hàng trăm ký tôm và vài tấn ba khía, cao điểm có khi làm hơn 100kg ba khía/ngày. Đặc biệt, vào dịp tết, số lượng đơn hàng tăng lên gấp đôi và không khí sản xuất ngày càng nhộn nhịp, khẩn trương.

Mong ước lớn nhất hiện nay của vợ chồng anh là xây dựng được thương hiệu mang tên “Ba khía Đầm Dơi”, đưa thương hiệu đặc sản Cà Mau bay xa với tiêu chí “sạch”. Anh Miên đã làm hồ sơ và mong muốn sản phẩm “Ba khía Đầm Dơi” nhà mình sẽ trở thành sản phẩm OCOP trong tương lai.

Tại Hội chợ hưởng ứng “Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia 2020 – Vietnam Grand Sale 2020” (tháng 7) được tỉnh tổ chức mới đây, vợ chồng trí thức trẻ rất háo hức giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Chỉ mấy ngày đầu tham gia hội chợ, gian hàng của đôi vợ chồng trẻ lúc nào cũng “cháy” hàng. Đấy là động lực để hai bạn trẻ theo đuổi ước mơ.

Tâm huyết với sản phẩm “Made in Vietnam”

Bên lề Đại hội Đảng bộ xã Quách Phẩm Bắc (huyện Đầm Dơi) vừa qua, một trong những mô hình sản xuất được địa phương giới thiệu là mô hình sản xuất của cơ sở Phương Nam. Đây là cơ sở của đôi vợ chồng trẻ khởi nghiệp từ da cá sấu và được xem là người tiên phong của tỉnh trong việc “thổi hồn” cho da cá sấu thành những sản phẩm chất lượng, bền đẹp và có giá trị.

Thương hiệu Phương Nam là tên ghép đôi của hai vợ chồng 8X Mai Nhật Nam (Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quách Phẩm Bắc) và Đặng Hoài Phương (Bí thư Chi đoàn ấp Bến Bào). Phát triển kinh tế từ nghề nuôi cá sấu, đến nay, nghề thuộc da cá sấu chế tác thành các sản phẩm mang tính ứng dụng cao đã trở thành nguồn kinh tế chủ lực của gia đình.

Từ sự nhạy bén, thông hiểu thị trường, mạnh dạn đầu tư của chủ cơ sở trẻ tuổi Mai Nhật Nam và Đặng Hoài Phương, thương hiệu Hoa Nam ngày càng tiến xa hơn vào sân chơi lớn mang tên OCOP.

Cách đây 8 năm, Nam và Phương bắt đầu nghề nuôi cá sấu, 50 con cá sấu ban đầu rớt giá sâu, mỗi con lỗ vài trăm đến một triệu đồng. Trong cái khó ló cái khôn, năm 2015, vợ chồng anh Nam quyết định thuộc da cá sấu, gửi cơ sở của người em trên TP. Hồ Chí Minh chế tác các sản phẩm: Cặp, túi xách, ví, thắt lưng, giày, dép… Từ thử nghiệm ban đầu cho hiệu quả đến nhân rộng như hiện nay là một quá trình tâm huyết của anh Nam và chị Phương.

Vợ chồng anh tiến hành mua cá sấu ở địa phương và làm thịt, phần thịt bán cho người dân địa phương, phần da thì đem chế tác các sản phẩm cao cấp. Mỗi đợt như thế làm khoảng 50 con.

Da bụng có gai làm túi, áo; da xẻ lưng, da không gai làm thắt lưng, giày… Một kinh nghiệm anh Nam chia sẻ là đừng chọn những con cá sấu lớn quá vì khi ấy da sẽ không đẹp. Một cái ví, túi da cá sấu chính hiệu “Made in Vietnam” hiện giá ít nhất cũng 3 – 5 triệu đồng; có sản phẩm túi giá từ 7 – 10 triệu đồng.

Hiện nay, kênh phân phối chính của cơ sở là ký gửi cho các shop ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Cà Mau, huyện Đầm Dơi và trưng bày bán tại nhà. Song song đó, anh Nam cũng tìm hiểu, mày mò, tăng cường giới thiệu các sản phẩm trên mạng xã hội: Facebook, Zalo… Tin vui là anh Nam đã liên kết với các bạn trẻ cùng chí hướng đầu tư hẳn một gian hàng bán các sản phẩm tại TP. Cà Mau, với một diện mạo mới mang tên Hoa Nam. Để đi xa hơn vào OCOP, hiện anh Nam đã đầu tư lại theo quy trình khép kín, từ nuôi cá sấu đủ độ tuổi đến khâu thuộc da, mang gia công và làm ra các sản phẩm để cung cấp ra thị trường.

Tại Hội chợ hưởng ứng “Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia 2020 – Vietnam Grand Sale 2020”, thương hiệu Hoa Nam đã mang các sản phẩm chiến lược trưng bày và giới thiệu rộng rãi, để người dân biết đến và có sự lựa chọn cho một sản phẩm chất lượng cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *