Sẵn sàng cho công tác điều tra về biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2016

Ông Nguyễn Hoàng Non – Trưởng phòng Thống kê Dân số và Văn xã, Cục Thống kê tỉnh.

PV: Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho cuộc điều tra về biến động dân số và KHHGĐ thời điểm 1/4/2016 đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Non, Trưởng phòng Thống kê Dân số và Văn xã, Cục Thống kê tỉnh: Sau khi Cục Thống kê Cà Mau nhận được quyết định về việc tiến hành điều tra biến động dân số và KHHGĐ thời điểm 1/4/2016, Cục đã chuẩn bị các bước cho cuộc điều tra: Biên soạn và gửi công văn cho Chi cục Thống kê các huyện, TP. Cà Mau về công tác rà soát, cập nhật sơ đồ bảng kê địa bàn điều tra do Trung ương chọn mẫu giao cho tỉnh thực hiện; số địa bàn được chọn điều tra là 120 địa bàn ở 8 huyện và TP. Cà Mau. Đến nay, khâu rà soát các địa bàn được chọn để điều tra đã hoàn thành; đang tiếp tục khâu cập nhật sơ đồ, bảng kê. Chúng tôi cũng đã cập nhật xong bảng kê, hiện chúng tôi đang cập nhật vào máy tính để lập chương trình chọn hộ điều tra cho từng địa bàn, mỗi địa bàn chọn 40 hộ để điều tra theo khoảng cách hộ của địa bàn. Đã tuyển chọn xong điều tra viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên; cụ thể, tuyển chọn những người có trình độ từ trung cấp trở lên để làm điều tra viên, riêng tổ trưởng và giám sát viên chọn người có trình độ đại học và có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác điều tra, thống kê. Số điều tra viên chính thức là 60 người, dự phòng 6 người, tổ trưởng 20 người, giám sát viên tỉnh, huyện 26 người. Các đối tượng này được tập huấn nghiệp vụ điều tra và sẽ ra quân vào ngày 1/4/2016. Tóm lại, khâu chuẩn bị cho cuộc điều tra đến nay cơ bản hoàn thành.

Một buổi tuyên truyền về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời.

PV: Cuộc điều tra lần này gồm có những nội dung gì; đối tượng, phạm vi, đơn vị thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Non: Nội dung cuộc điều tra này gồm 3 phần: Phần 1 (Thông tin về các thành viên trong hộ), đối với toàn bộ dân số: Họ và tên của từng nhân khẩu thực tế thường trú trong hộ; mối quan hệ với chủ hộ; giới tính; tháng, năm sinh hoặc tuổi tròn theo dương lịch; dân tộc; đạo, tôn giáo. Đối với dân số từ 1 tuổi trở lên: Nơi thực tế thường trú cách đây 1 năm. Đối với dân số từ 5 tuổi trở lên: Tình hình đi học hiện nay; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; lớp học phổ thông cao nhất đạt được; số năm đi học các bậc đào tạo nghề, chuyên nghiệp, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; tình trạng biết chữ. Đối với dân số từ 15 tuổi trở lên: Tình trạng hôn nhân; tháng, năm dương lịch xảy ra sự kiện hôn nhân hiện tại.

Phần 2: Thông tin về lịch sử sinh, KHHGĐ và sức khỏe sinh sản của thành viên trong hộ là phụ nữ từ 15 – 49 tuổi, bao gồm các thông tin: Số con đã sinh, số con hiện còn sống, số con đã chết và thông tin về lần sinh gần nhất; tình hình khám thai và nhận biết giới tính thai nhi; tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai, hút thai và nạo, phá thai; tình hình tai biến sau khi hút thai hay nạo, phá thai.

Phần 3: Thông tin về thành viên của hộ bị chết (nếu có). Thu thập thông tin về thành viên của hộ bị chết (nếu có) trong khoảng thời gian từ ngày 1 Tết Nguyên đán Ất Mùi (tức ngày 19/2/2015) đến hết ngày 31/3/2016, bao gồm các thông tin: Số người chết; giới tính, thời gian và tuổi của người chết; nguyên nhân chết, trong đó có tình hình tử vong sản phụ.

Về đối tượng điều tra: Nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư trên các địa bàn điều tra được chọn (bao gồm cả những người làm trong ngành quân đội, công an thường xuyên ăn ở tại hộ). Các trường hợp chết của hộ dân cư đã xảy ra từ ngày 1 Tết Nguyên đán Ất Mùi (ngày 19/2/2015) đến hết ngày 31/3/2016. Đối tượng điều tra không bao gồm người thuộc lực lượng vũ trang đang sống trong khu doanh trại do quân đội và công an quản lý. Về phạm vi điều tra: Đây là cuộc điều tra chọn mẫu, được thực hiện trên phạm vi cả nước. Đơn vị điều tra là hộ. Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ở chung và ăn chung. Họ có thể có hoặc không có quan hệ ruột thịt, hôn nhân, nuôi dưỡng; có hoặc không có quỹ thu – chi chung. Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 1/4/2016. Thời gian điều tra tại địa bàn khoảng 20 ngày (bao gồm cả thời gian di chuyển), bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 1/4/2016 và kết thúc chậm nhất vào ngày 20/4/2016.

PV: Mục đích của cuộc điều tra về biến động dân số và KHHGĐ là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Non: Thu thập thông tin đại diện cho toàn quốc, 6 vùng kinh tế – xã hội và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm khu vực thành thị và nông thôn về số dân, tình hình biến động dân số và mức độ sử dụng các biện pháp tránh thai, tình hình hút thai hay nạo, phá thai làm cơ sở để tổng hợp, biên soạn một số chỉ tiêu thống kê quốc gia về dân số – KHHGĐ, phục vụ các cấp, các ngành đánh giá tình hình, lập kế hoạch trong lĩnh vực dân số – KHHGĐ. Đáp ứng yêu cầu biên soạn một số chỉ tiêu thống kê dân số – KHHGĐ thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; bảo đảm mức độ đại diện của số liệu cho cả nước, 6 vùng kinh tế – xã hội và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đáp ứng phân tổ theo thành thị và nông thôn; phục vụ kịp thời việc biên soạn Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng và cả năm 2016 của Tổng cục Thống kê; Xây dựng cơ sở dữ liệu về biến động dân số – KHHGĐ; đáp ứng yêu cầu trong nước và so sánh quốc tế.

PV: Cảm ơn ông!.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *