Sẵn sàng cho giờ “G” – ngày 1/4 tổng điều tra dân số và nhà ở

Theo báo cáo của BCĐ Tổng điều tra (TĐT) dân số và nhà ở Trung ương, BCĐ Trung ương, BCĐ tại địa phương và BCĐ của 3 Bộ thực hiện TĐT theo kế hoạch riêng (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao – PV) đã hoàn thiện công việc chuẩn bị để sẵn sàng thu thập thông tin TĐT bắt đầu từ ngày 1/4 tới đây, như: Tổ chức các hội nghị tập huấn, hoàn thiện phiếu hỏi TĐT, tài liệu hướng dẫn TĐT, thiết lập mạng lưới thực hiện TĐT, xây dựng các chương trình phần mềm ứng dụng, chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin…

Hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.

Cụ thể, công tác lập bảng kê hộ đã hoàn thành vào ngày 20/1. Tổng số có 217.586 địa bàn điều tra (trong đó có 916.717 địa bàn điều tra thường và 20.869 địa bàn đặc thù), với 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành công an, quân đội, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài) được lập bảng kê.

Tổng số hộ đăng ký tự cung cấp thông tin trên Internet là 68.990 hộ, chiếm 0,26%; trong đó, số hộ đăng ký nhiều nhất là tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Kinh phí cho cuộc TĐT quy mô lần này là 1.100 tỷ đồng.

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ đất nước; đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số.

Nội dung điều tra, bao gồm: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động – việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.

Thời gian thu thập thông tin của cuộc TĐT là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 1/4. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7, kết quả điều tra mẫu được công bố vào Quý IV năm 2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào Quý II/2020. Các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào Quý IV/2020.

Theo hướng dẫn, các địa phương trong cả nước sẽ đồng loạt tổ chức lễ ra quân TĐT dân số và nhà ở vào sáng 1/4.

Với Cà Mau, tỉnh đã hoàn thành công tác vẽ sơ đồ nền với 101 sơ đồ nền xã, phường, thị trấn và chuyển dữ liệu lên trang điều hành tác nghiệp TĐT theo đúng hướng dẫn của BCĐ Trung ương. Đã phân chia tổng số 2.185 địa bàn; trong đó, 2.076 địa bàn bình thường và 109 địa bàn đặc thù. Tổng số hộ khi lập bảng kê hộ của địa bàn bình thường là 299.912 hộ.

Công tác tuyển chọn lực lượng tham gia TĐT, tập huấn, tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự trong TĐT… được tỉnh Cà Mau thực hiện đúng tiến độ.

Sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện TĐT dân số và nhà ở năm 2019 của một số địa phương và các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo, khoa học và bài bản của các Bộ, ngành, BCĐ các tỉnh để sẵn sàng cho TĐT.

Để khởi động suôn sẻ và thực hiện thắng lợi cuộc TĐT dân số và nhà ở năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quán triệt mục đích, yêu cầu, bối cảnh và quy mô của cuộc TĐT lần này.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền với các hình thức phong phú, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, phục vụ cho việc hoạch định chính sách của cả cấp Trung ương tới tận cấp xã, phường, thị trấn.

“Không có sự tham gia đông đảo của người dân thì cuộc TĐT không thể thành công được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần không chủ quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tiếp tục chuẩn bị về vấn đề kỹ thuật, lực lượng điều tra viên, tổ trưởng, về địa bàn và đảm bảo an toàn cho cuộc TĐT, đảm bảo thông suốt đường truyền…

Đề cập về chế độ thông tin báo cáo kết quả điều tra, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố phải báo cáo nhanh kết quả TĐT về BCĐ Trung ương sau thời gian cuối cùng thu thập thông tin, chậm nhất ngày 26/4 phải hoàn thành việc này để BCĐ tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với các công việc chuẩn bị đã sẵn sàng, Phó Thủ tướng Vương Đính Huệ quyết tâm, tin tưởng cả nước sẽ thực hiện thắng lợi, toàn diện TĐT dân số và nhà ở năm 2019 đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *