Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giảm chi ngân sách hơn 1.400 tỷ đồng

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi.

Dự án 513 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu tháng 2/2012 và được triển khai thực hiện đến ngày 31/12/2020. Sau gần 8 năm thực hiện, tính đến nay, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương đã trình Chính phủ ban hành 7 nghị quyết, giải quyết dứt điểm 15/16 khu vực địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại và xác định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo giữa 28 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, 129 ĐVHC cấp huyện và 610 ĐVHC cấp xã.

Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp

Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, đến nay cơ bản hoàn thành. Theo đó, Quốc hội đã quyết định và ban hành các nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đối TP. Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ trình trong tháng 10/2020. Tỉnh Kiên Giang có 1 ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp là xã Hòn Thơm (huyện Phú Quốc), sẽ sáp nhập với thị trấn An Thới, khi trình Đề án thành lập TP. Phú Quốc.

Thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiến hành sắp xếp 18 ĐVHC cấp huyện, giảm 6 đơn vị; sắp xếp 1.027 ĐVHC cấp xã, giảm 546 đơn vị. Còn 10 ĐVHC cấp huyện và 99 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong đợt này.

Những tỉnh giảm nhiều số lượng ĐVHC cấp xã như: Hòa Bình (giảm 59/210), Cao Bằng (giảm 38/199), Phú Thọ (giảm 52/277), Hà Tĩnh (giảm 46/262), Thanh Hóa (giảm 76/635), Lạng Sơn (giảm 26/226), Hải Dương (giảm 29/264)…

Riêng với tỉnh Cà Mau, từ kết quả sau khi rà soát, đối chiếu, tỉnh không có ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định của Trung ương bắt buộc phải thực hiện việc sắp xếp theo yêu cầu trong giai đoạn 2019 – 2021. Vì thế, Cà Mau không có ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn này.

Theo báo cáo của các địa phương thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 cho thấy, đối với việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, dự kiến tại các ĐVHC cấp huyện mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức đúng quy định là 1.062 người, số dôi dư là 428 người.

Đối với sắp xếp các ĐVHC cấp xã, dự kiến tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức cấp xã đúng quy định là 10.043 người,  số dôi dư là 9.534 người; bố trí số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đúng quy định là 8.816 người, số dôi dư là 6.913 người.

Trong giai đoạn 2019- 2021, các địa phương có phương án giải quyết dứt điểm được số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 146 người; giải quyết được số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 7.006 người và giải quyết được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người.

Đối với số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư còn lại, đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết.

Theo tính toán của các địa phương, khi tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong đợt này thì dự kiến sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới (giai đoạn 2020 – 2024) là khoảng 1.431 tỷ đồng.

Sẽ có hướng dẫn việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, nhằm mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ  sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thực hiện chính sách đối với người dôi dư khối chính quyền ở những địa phương thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp ĐVHC các cấp trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Rà soát các quy định pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn của ĐVHC các cấp để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yếu tố đặc thù như: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *