Sắp xếp trường, lớp, giáo viên phải đảm bảo công khai, minh bạch

Trong công tác rà soát, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo: Thực hiện đúng trình tự sắp xếp từ trường, lớp, sau đó là giáo viên; không thực hiện cắt giảm giáo viên khi chưa hoàn thành việc sắp xếp trường, lớp; sáp nhập các trường, điểm trường lẻ không còn phù hợp, đặc biệt là các điểm trường lẻ gần trường chính, có điều kiện giao thông thuận lợi, trường chính có khả năng tiếp nhận học sinh, giáo viên từ điểm trường lẻ. Chỉ giữ lại những điểm trường lẻ còn phù hợp, thật sự phục vụ tốt nhu cầu học tập rất bức xúc của học sinh, tại những địa phương có điều kiện đi lại khó khăn, học sinh không thể đến trường vì khoảng cách quá xa. Bên cạnh đó, việc xóa các điểm trường lẻ, cần kết hợp với lộ trình xây dựng nông thôn mới, khi điều kiện đi lại của học sinh được đảm bảo.

Về sắp xếp lớp học, sĩ số học sinh trong mỗi lớp đảm bảo phù hợp, đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (không quá 35 học sinh/lớp ở cấp tiểu học; không quá 45 học sinh/lớp ở cấp THCS) và chủ trương của UBND tỉnh (bình quân 33 học sinh/lớp ở cấp tiểu học; bình quân 42 học sinh/lớp ở cấp THCS). Trong trường hợp phải duy trì điểm trường lẻ, không nhất thiết phải đảm bảo sĩ số học sinh như trên.

Đối với các trường nếu thiếu giáo viên thì tiếp tục thực hiện theo chế độ hợp đồng, theo đó ưu tiên xem xét trong số giáo viên đã hợp đồng trước đây, có thâm niên cao và giáo viên dạy giỏi, giáo viên đạt thành tích cao, để đảm bảo nhu cầu dạy và học trong năm học mới không bị gián đoạn. Những giáo viên không đủ chuẩn dôi dư thì cắt hợp đồng; nếu một gia đình có cả vợ và chồng đang được hợp đồng thì chỉ cắt hợp đồng 1 người để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Công tác sắp xếp giáo viên phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai thực hiện, thông báo đến các đơn vị trường, địa phương có liên quan đến việc sắp xếp lại vị trí việc làm, thành lập mới hoặc sáp nhập, xóa điểm lẻ. Phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động để giáo viên, phụ huynh nắm rõ ý nghĩa thiết thực, nhu cầu thực tế của việc xóa điểm lẻ, sáp nhập trường.

Sắp xếp lại trường, lớp, giáo viên, giúp cho công tác quản lý được chặt chẽ hơn, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh: “Khi tiến hành sắp xếp lại giáo viên, xóa điểm lẻ, sáp nhập trường là căn cứ vào lợi ích thiết thực, nhu cầu thực tế, số lượng học sinh/lớp, khoảng cách giữa các trường… Qua đó, giúp cho công tác quản lý được chặt chẽ hơn, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.

Từ năm học 2015 – 2016 đến nay, toàn huyện Cái Nước đã xóa được 37 điểm lẻ, với 162 lớp. Tính đến thời điểm ngày 31/5, so với biên chế được giao 1.746 giáo viên, còn thiếu 42 giáo viên, không còn giáo viên hợp đồng, tuyển dụng được 120 giáo viên mầm non, qua đó giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu giáo viên mầm non.

Ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước: “Năm học 2018 – 2019, huyện xóa 14 điểm trường lẻ tiểu học có ít học sinh, tiến hành sáp nhập 3 trường tiểu học vào trường THCS. Trong quá trình triển khai việc sắp xếp, rà soát lại trường, lớp học trên địa bàn huyện, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại về tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, dẫn đến việc bố trí hết sức khó khăn, vì không được ký hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ quy định về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; nên hầu hết các trường thiếu bảo vệ và nhân viên tạp vụ, cấp dưỡng. Mặt khác, một bộ phận nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức chưa hiểu sâu sắc chủ trương xóa điểm lẻ là để nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện để con em được học ở những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, mà tâm lý chủ yếu là cho con học gần nhà, thuận lợi trước mắt. Ngành Giáo dục đã tham mưu với UBND huyện đưa ra giải pháp là không tiếp nhận bất cứ giáo viên nào từ các nơi khác chuyển về huyện công tác, mà giáo viên đó thuộc những môn bậc học đang thừa; làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sắp xếp trường, lớp học, xóa điểm lẻ không còn phù hợp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Riêng đối với lực lượng giáo viên ở các điểm trường được sắp xếp lại, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiến hành điều chuyển từ nơi thừa về nơi thiếu để đảm bảo cho công tác giảng dạy”.

Huyện U Minh cũng đang khẩn trương thực hiện việc sắp xếp trường, lớp học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xóa các điểm trường lẻ thì gặp vướng mắc, không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của một bộ phận người dân. Cụ thể, khi tiến hành xóa điểm lẻ khu B thuộc Trường THCS Huỳnh Phan Hộ (xã Khánh An, huyện U Minh) về điểm trường chính. Thầy Nguyễn Nhựt Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Phan Hộ, cho biết: Trong kế hoạch xóa điểm lẻ khu B Trường THCS Huỳnh Phan Hộ về điểm chính, nhà trường cũng thấy được những khó khăn mà học sinh gặp phải: Một số học sinh phải đi trên đoạn đường khá xa, một số em phải qua phà, tình trạng dôi dư giáo viên, nên về phía nhà trường đã có phương án trình lên cấp trên: Các em nhà xa, điều kiện khó khăn sẽ được hỗ trợ xe đạp, qua phà miễn phí; về số giáo viên dôi dư thì sẽ luân chuyển từ trường thừa sang trường thiếu… nhưng mục đích cuối cùng vẫn là muốn tạo điều kiện để cho các em học tập tập tốt hơn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay”.

Thông tin thêm về chuyện giáo viên hợp đồng, tại Công văn số 6223/UBND-NC, ngày 15/8/2018, về việc tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải có ý kiến chỉ đạo: Thực hiện việc sắp xếp phải đồng thời với yêu cầu sàng lọc đội ngũ. Cần xác định cụ thể từng vị trí, cấp học, môn học cụ thể, nguyên nhân thừa thiếu đối với giáo viên trong biên chế. Đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng, cần xác định số lượng, trong đó xác định số người đủ chuẩn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, số hợp đồng thừa, số còn thiếu cần phải hợp đồng thêm. Những giáo viên đã là biên chế nhưng vị trí việc làm hiện tại đang dôi dư, cần ưu tiên chọn những người đủ chuẩn, tâm huyết với ngành, công tác tốt. Còn những người không đủ chuẩn, không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục, sức khoẻ kém… sẽ điều chuyển sang vị trí khác cho phù hợp, hoặc động viên giảm biên chế theo quy định. Đối với người đang hợp đồng, khi sắp xếp lại cần ưu tiên lựa chọn những người đủ chuẩn, có thâm niên nhiều năm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có hoàn cảnh khó khăn hoặc là lao động chính trong gia đình. Nếu là giáo viên hợp đồng hoàn thành tốt nhiệm vụ, có chuyên môn phù hợp, có nhu cầu thì Phòng Giáo dục giới thiệu sang nơi thiếu, cần hợp đồng, tạo điều kiện cho tìm việc làm mới. Việc xác định và lựa chọn phải thực hiện công khai, minh bạch. Sau khi ổn định giảng dạy, xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức để tuyển dụng đảm bảo đủ cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp đi kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm đối với người đứng đầu các đơn vị, địa phương thực hiện không đúng, không nghiêm việc sắp xếp trường, lớp, giáo viên.

Như vậy, đối với giáo viên hợp đồng ở Cà Mau, vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục được đứng lớp giảng dạy, chờ thời gian để thi vào biên chế giáo dục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *